Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga

Alpinia galanga là một loại cây thân thảo lâu năm thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), phân bố chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Đài Loan của Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Quả và thân rễ của nó được sử dụng rộng rãi cho cả mục đích làm thuốc và ăn được ở Trung Quốc với tác dụng chữa cảm lạnh và kích thích tiêu hóa. Thành phần hóa học của loài A. galanga chủ yếu là tinh dầu, flavonoid, sesquiterpenoid, diterpenoid, phenylpropanoid và lignan với các hoạt tính sinh học như chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống ung thư và chống loét, bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm giảm lipid và đường trong máu, trong đó đáng chú ý là tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa. Trong y học cổ truyền Myanmar, thân rễ của cây A. galanga chủ yếu được dùng để chữa ho, lợi tiểu, đau ngực, sốt, đau dạ dày và khó tiêu.

Đái tháo đường (DM) là một trong những bệnh chuyển hóa phổ biến nhất được đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao. Về mặt nguyên nhân, DM được chia thành bệnh tiểu đường type 1, bệnh tiểu đường type 2, bệnh tiểu đường thai kỳ và bệnh tiểu đường cụ thể. Theo báo cáo do Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế công bố, trên toàn thế giới có khoảng 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó hơn 90% trường hợp là bệnh tiểu đường type 2. Trung Quốc với 141 triệu bệnh nhân là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh tiểu đường. Các loại thuốc trị đái tháo đường hiện có chủ yếu bao gồm insulin, chất ức chế α-glucosidase, chất nhạy cảm insulin, chất kích thích tiết insulin, chất tương tự glucagon-like peptide-1 (GLP-1), chất ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4), chất kích hoạt glucokinase, v.v., Trong khi tác dụng phụ và tình trạng kháng thuốc là không thể tránh khỏi sau khi sử dụng lâu dài thì việc nghiên cứu phát triển các loại thuốc mới với cơ chế khác biệt là cần thiết.

Quá trình sàng lọc tìm kiếm các tác nhân điều trị bệnh đái tháo đường từ các loại thảo dược thuộc họ Zingiberaceae, quả của A. galanga đã được thử nghiệm về tác dụng điều trị đái tháo đường chống lại enzyme PTP1B và GPa, kết quả cho thấy cao chiết ethanol của A. galanga có khả năng ức chế PTP1B (91,2 %) và GPa (76,4 %) ở nồng độ 200 µg/mL. Từ cao chiết này, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 11 hợp chất trong đó có bốn hợp chất phenolic mới bao gồm (R)-4-(1-methoxypropyl)phenol (1), (S)-3-(4-hydroxy-3- methoxyphenyl)propan-1,2-diyldiacetate (2), (R)-3-(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)propan-1,2-diyldiacetate (3) và 3′ -demethoxycrataegusanoid E (4) (Hình 1) và 7 hợp chất đã biết là l’-acetoxychavicol acetate (5), 4-(1-ethoxypropyl)phenol (6), vanillin (7), aceto vanillone (8), cinnamaldehyde (9), 3-buten-2-one (10) và 4-hydroxy-3-methoxycin namaldehyde (11). Trong đó, hợp chất (4) cho thấy sự ức chế đáng kể đối với PTP1B với giá trị IC50 là 58,4 μM và hợp chất 6 thể hiện hoạt tính ức chế α-glycosidase với giá trị IC50 là 97,6 μM. Các hợp chất 1-4 và 7-11 có thể kích thích bài tiết GLP-1 trong tế bào NCl-H716 với tốc độ thúc đẩy 770,5-1943,1 % (50 µM). Nghiên cứu này đã góp phần cung cấp thông tin về các thành phần có tác dụng điều trị đái tháo đường của loài A. galanga.

Hình 1. Cấu trúc các hợp chất phenolic mới được phân lập từ quả của loài A. galanga

Lược dịch

Nguyễn Đình Quỳnh Phú

Tài liệu tham khảo

Pei Liu, Sheng-Li Wu, Tian Wang, Xue-Mei Zhang, Chang-An Geng (2023), Four new phenolic compounds from the fruits of Alpinia galanga, Phytochemistry Letters, 55, 75-79.

Xem thêm: