FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà

Ngày 20 tháng 9 năm 2024, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt FluMist, một loại vắc-xin cúm dưới dạng xịt mũi mà người dùng có thể tự thực hiện tại nhà mà không cần sự trợ giúp từ nhân viên y tế. Đây là vắc-xin phòng ngừa bệnh cúm đầu tiên không cần tiêm được sản xuất dưới hình thức này.

“Việc phê duyệt vắc-xin FluMist tự sử dụng tại nhà cung cấp một lựa chọn mới an toàn và hiệu quả cho việc phòng ngừa cúm mùa, đồng thời giúp tăng cường sự tiện lợi, linh hoạt và dễ dàng tiếp cận cho các cá nhân và gia đình” TS. Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA, chia sẻ. “Sử dụng vắc-xin hàng năm là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa cúm, căn bệnh gây ra nhiều ca nhiễm mỗi năm tại Hoa Kỳ và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhập viện hoặc tử vong. Sự phê duyệt này không chỉ bổ sung thêm lựa chọn phòng ngừa cúm mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của FDA trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.”

Cúm là một bệnh đường hô hấp phổ biến và dễ lây lan, do virus cúm gây ra, thường xuất hiện vào mùa thu và mùa đông. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, thường xuất hiện đột ngột như đau nhức cơ thể, sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, và nghẹt mũi hoặc chảy mũi. Cúm có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng và gây ra các biến chứng nghiêm trọng, dẫn đến nhập viện hoặc tử vong, đặc biệt là ở các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người có bệnh mạn tính. Các chủng virus cúm biến đổi theo từng năm và tác động của chúng đến sức khỏe có thể rất lớn, một số dịch cúm gây hậu quả nặng nề hơn những dịch cúm khác. Nhiều loại vắc-xin được FDA phê duyệt luôn sẵn có để phòng ngừa cúm mùa.

FluMist chứa các chủng virus cúm sống giảm độc lực, sử dụng dưới dạng xịt trực tiếp vào mũi mà không cần tiêm. Tuy nhiên, để sử dụng FluMist, vẫn cần có đơn thuốc từ bác sĩ. FluMist được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2003 để phòng ngừa bệnh cúm A và B cho những người từ 5 đến 49 tuổi, và đến năm 2007, FDA đã mở rộng phạm vi sử dụng cho trẻ em từ 2 đến 5 tuổi. Vắc-xin FluMist được sử dụng dưới dạng xịt mũi và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong nhiều năm qua. Hiện nay, có hai cách thức để có thể sử dụng loại vắc-xin này, một là nhờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế (bao gồm cả nhà thuốc), hai là bệnh nhân tự sử dụng tại nhà hoặc sự hỗ trợ của người chăm sóc trên 18 tuổi.

Các tác dụng phụ thường gặp nhất của FluMist là sốt cao ở trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, chảy nước mũi và nghẹt mũi ở những người từ 2 đến 49 tuổi và đau họng ở người lớn từ 18 đến 49 tuổi.

So sánh FluMist với vắc-xin cúm dạng tiêm

Tiến sĩ Andrew Handel, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Stony Brook, Hoa Kỳ cho biết: “Vắc-xin cúm dạng tiêm chứa virus hoặc các thành phần virus đã bị bất hoạt, trong khi FluMist chứa virus cúm sống giảm độc lực và được sử dụng qua đường xịt mũi.” Theo Handel, một số nghiên cứu cho thấy FluMist có khả năng ngăn chặn nhiễm trùng và các bệnh nghiêm trọng tốt hơn so với vắc-xin dạng tiêm.

Tiến sĩ John Lowe, chuyên gia về y học dự phòng tại Restore Care, Hoa Kỳ, bổ sung thêm vào ý kiến của Handel: “FluMist có ưu điểm hơn là nó tạo ra tương tác sinh lý với hệ thống miễn dịch, so với vắc-xin dạng tiêm, vốn chỉ đơn giản là đưa vào cơ thể virus đã chết để hình thành phản ứng miễn dịch.”

Một điểm khác biệt nữa giữa FluMist và vắc-xin tiêm là FluMist không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và người trên 49 tuổi. “Dạng tiêm được sử dụng cho những đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao,” Lowe chia sẻ, đồng thời ông nhấn mạnh rằng vắc-xin tiêm còn được dùng cho những người suy giảm miễn dịch.

Ngoài ra, Lowe cho biết việc dùng FluMist qua đường mũi có thể mang lại lợi ích trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng hô hấp ở phế nang, vì virus cúm xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi.

“Tuy nhiên, vắc-xin dạng tiêm lại cho thấy hiệu quả ổn định hơn trong việc phòng ngừa cúm theo mùa, cúm đại dịch, cũng như các bệnh lý khác có thể phòng ngừa bằng vắc-xin,” ông nói thêm.

Cuối cùng, Lowe lưu ý rằng mặc dù cả vắc-xin tiêm và vắc xin dạng xịt FluMist đều giúp phòng chống virus cúm, vắc-xin dạng tiêm vẫn là lựa chọn ưu tiên vì tính an toàn cho hầu hết mọi người.

Quan điểm của các chuyên gia y tế về việc FDA phê duyệt FluMist sử dụng tại nhà

“Việc FDA phê duyệt FluMist để tự sử dụng tại nhà là một bước tiến vượt bậc” Tiến sĩ Andrew Handel giải thích rằng nhiều người bỏ qua việc tiêm vắc-xin do một số rào cản, chẳng hạn như phải đưa con nghỉ học để đi tiêm.

“Bất kỳ nỗ lực nào giúp vắc-xin trở nên dễ tiếp cận hơn sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ tiêm chủng và bảo vệ nhiều người hơn,” ông nói thêm.

Tiến sĩ John Lowe cũng đồng tình, ông cho rằng quyết định của FDA đối với FluMist là “một cải tiến đáng ghi nhận.”

Ông nhấn mạnh rằng vắc-xin cúm dạng xịt mũi tự sử dụng có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân tại các vùng nông thôn hoặc những nơi thiếu hụt cơ sở y tế.

Tuy nhiên, Lowe lưu ý rằng FluMist không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

“Cần có sự đánh giá cẩn thận trước khi quyết định có nên khuyến nghị FluMist cho bệnh nhân hay không,” ông khuyến cáo.

 

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.fda.gov/news-events/press-announcements/fda-approves-nasal-spray-influenza-vaccine-self-or-caregiver-administration
  2. https://www.webmd.com/cold-and-flu/news/20240923/fda-approves-first-at-home-nasal-flu-vaccine
  3. https://www.healthline.com/health-news/flumist-nasal-vaccine-comparison-flu-shot#Takeaway

 

Lược dịch và tổng hợp

Lê Hoàng Giang