12 phương pháp tự nhiên cho bệnh Eczema

cham

Nguồn ảnh: https://www.giacongthucphamchucnang.vn/benh-cham-eczema-co-nguy-hiem-khong-nguyen-nhan-bi-cham-la-gi/

Eczema còn có tên gọi là chàm, nguồn gốc từ gốc tiếng Hy Lạp là Eczeo, là tình trạng khiến các mảng da bị ngứa và kích ứng. Trong dân gian thường gọi bệnh này là chàm tổ đỉa, do những tổn thương lặp đi lặp lại nhiều lần khiến da sần sùi kèm theo các lỗ hút sâu rỉ nước vàng như mồm con đỉa. Bệnh có thể khiến da bị nứt nẻ, ửng đỏ và trên các tông màu da sẫm hơn có thể có màu nâu, tím hoặc xám. Nguyên nhân gây bệnh Eczema là do di truyền, thời tiết, căng thẳng, dị ứng, bệnh ngoài da, lạm dụng thuốc tây, thói quen vệ sinh kém,… Phương pháp điều trị nhằm mục đích giữ cho da đủ nước, giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng da.

Các phương pháp điều trị tự nhiên không thể chữa khỏi bệnh chàm nhưng có thể kiểm soát hoặc ngăn ngừa bùng phát bệnh chàm, đặc biệt là vào mùa đông, khi các triệu chứng có xu hướng nặng nhất.

Sau đây là 12 phương pháp tự nhiên cho bệnh Eczema:

  1. Gel lô hội (nha đam)

Tác dụng: Gel lô hội được chiết xuất từ ​​lá của cây lô hội. Người ta đã sử dụng gel lô hội trong nhiều thế kỷ để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm làm dịu vết chàm. Gel lô hội có đặc tính: kháng khuẩn, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp chữa lành vết thương … có thể ngăn ngừa nhiễm trùng da dễ xảy ra khi một người có làn da khô và nứt nẻ, làm dịu vùng da bị tổn thương và thúc đẩy quá trình chữa lành.

Cách dùng: Có thể mua gel lô hội ở các cơ sở y tế hoặc có thể mua cây lô hội và sử dụng gel trực tiếp từ lá của nó. Nên sử dụng các sản phẩm gel lô hội có ít thành phần – những sản phẩm khác có thể chứa chất bảo quản, cồn, nước hoa và chất tạo màu … có thể gây kích ứng da nhạy cảm. Ngoài ra, rượu và các thành phần làm khô khác có thể làm cho bệnh chàm trở nên trầm trọng hơn. Hãy bắt đầu với một lượng nhỏ gel để kiểm tra độ nhạy cảm của da, vì đôi khi lô hội có thể gây bỏng hoặc châm chích. Tuy nhiên, nói chung gel lô hội an toàn và hiệu quả cho người lớn và trẻ em. Nên làm sạch da bằng xà phòng và nước, sau đó thoa lô hội lên vùng da bị chàm để da không bị khô. Có thể bôi hai lần mỗi ngày hoặc theo khuyến nghị của bác sĩ.

  1. Giấm táo

Tác dụng: Giấm táo là một phương pháp điều trị tại nhà phổ biến cho nhiều tình trạng, bao gồm cả các rối loạn về da. Hiệp hội Eczema Quốc gia (NEA) báo cáo rằng giấm táo có thể giúp điều trị tình trạng này. Tuy nhiên, nên thận trọng khi dùng vì axit trong giấm có thể làm hỏng mô mềm. Chưa có nghiên cứu nào xác nhận rằng giấm táo làm giảm các triệu chứng của bệnh chàm, nhưng dưới đây là hai lý do tại sao nó có thể có ích:

+ Cân bằng nồng độ axit của da: Giấm có tính axit khá cao. Da có tính axit tự nhiên, nhưng những người bị bệnh chàm thì da có tính axit yếu hơn những người khác, điều này có thể làm suy yếu khả năng phòng vệ của da. Thoa giấm táo pha loãng có thể giúp cân bằng nồng độ axit trên da. Ngược lại, nhiều loại xà phòng và chất tẩy rửa có tính kiềm có thể phá vỡ tính axit của da, khiến da dễ bị tổn thương. Điều này có thể giải thích tại sao rửa bằng một số loại xà phòng có thể gây bùng phát bệnh chàm.

+ Chống lại vi khuẩn: Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giấm táo có thể chống lại vi khuẩn, bao gồm cả Escherichia coliStaphylococcus aureus (S. aureus). Sử dụng giấm táo trên da có thể giúp bảo vệ vùng da bị tổn thương khỏi bị nhiễm trùng.

Cách dùng: Luôn pha loãng giấm táo trước khi thoa lên da vì giấm không pha loãng có thể gây bỏng. Có thể sử dụng giấm với khăn ướt hoặc bồn tắm:.

+ Sử dụng giấm táo với gạc ướt: Trộn 1 cốc nước ấm và 1 thìa giấm táo, thấm dung dịch vào bông hoặc gạc, đắp lên vùng da bị Eczema trong 3 giờ.

+ Ngâm mình trong bồn tắm bằng giấm táo: Thêm 2 cốc giấm táo vào bồn nước ấm, ngâm trong 15–20 phút, sau đó tắm sạch và dưỡng ẩm sau khi tắm.

  1. Thuốc tẩy trắng

Tác dụng: Mặc dù có vẻ nguy hiểm, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng tắm chất tẩy nhẹ có thể cải thiện các triệu chứng bệnh chàm do tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Thuốc tẩy có thể tiêu diệt vi khuẩn trên bề mặt da, bao gồm cả tụ cầu S. aureus và có thể khôi phục hệ vi sinh vật trên bề mặt da. Một đánh giá vào năm 2018 kết luận rằng tắm thuốc tẩy có thể làm giảm nhu cầu điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc corticosteroid tại chỗ. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác không tìm thấy lợi ích của việc tắm thuốc tẩy so với tắm thông thường.

Cách dùng. Thêm nửa cốc thuốc tẩy (sử dụng thuốc tẩy trắng có nồng độ khoảng 6%) vào bồn tắm đầy nước hoặc 1 thìa thuốc tẩy cho mỗi gallon nước. Ngâm trong 5–10 phút. Tắm sạch lại cơ thể bằng nước ấm. Vỗ nhẹ cho da khô. Sử dụng nước ấm để da không bị khô và dưỡng ẩm ngay sau khi lau khô. Nếu cảm thấy khó chịu, kích ứng hoặc mẩn đỏ, nên ngừng sử dụng thuốc tẩy. Những người bị hen suyễn hoặc các vấn đề về hô hấp cũng không nên tắm thuốc tẩy do có hơi khói mạnh.

  1. Bột yến mạch dạng keo

Tác dụng: Bột yến mạch keo, còn được gọi là Avena sativa, làm từ yến mạch đã được xay và đun sôi để chiết xuất các chất có đặc tính làm lành da. Một nghiên cứu năm 2015 báo cáo rằng kem dưỡng da bột yến mạch dạng keo có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, dẫn đến cải thiện khô da, lan rộng chàm, thô ráp, ngứa.

Cách dùng: Cho bột yến mạch dạng keo vào bồn nước ấm và ngâm mình. Nên chọn sản phẩm bột yến mạch dạng keo có yến mạch là thành phần duy nhất và tránh những sản phẩm có hương thơm hoặc chất phụ gia. Bột yến mạch dạng keo thường an toàn cho mọi lứa tuổi, nhưng những người bị dị ứng với yến mạch nên tránh. Những người bị dị ứng với gluten cũng nên thận trọng vì các nhà sản xuất thường chế biến yến mạch với lúa mì.

  1. Tắm

Tác dụng: Tắm cung cấp độ ẩm cần thiết cho da và là một phần quan trọng trong điều trị bệnh chàm. Khi một người bị bệnh về da, chẳng hạn như bệnh chàm, da của họ cần thêm độ ẩm vì lớp ngoài không hoạt động như bình thường. Đối với một số người, việc rửa mặt thường xuyên có thể làm khô da và khiến bệnh chàm trở nên trầm trọng hơn. Điều này có thể xảy ra khi: sử dụng nước quá nóng hoặc quá lạnh, sử dụng xà phòng sai, không dưỡng ẩm sau đó. Tuy nhiên, tránh tắm quá thường xuyên.

Cách tắm: NEA khuyến cáo: đối với người lớn nên tắm hoặc tắm ít nhất một lần một ngày, sử dụng nước ấm, tắm trong 10-15 phút, tránh chà xát da, sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng thay vì xà phòng như tắm với baking soda, giấm hoặc bột yến mạch. Tắm nước nóng lâu có thể loại bỏ dầu tự nhiên và độ ẩm trên da. Do đó, hãy tắm trong thời gian ngắn và giữ nước ở nhiệt độ ấm. Sau khi tắm, dưỡng ẩm trong vòng 3 phút. Nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn và thoa kem dưỡng ẩm dạng dầu trước khi da khô hoàn toàn.

  1. Dầu dừa

Tác dụng: Dầu dừa có chứa các axit béo có lợi có thể bổ sung độ ẩm cho da, có thể giúp ích cho những người bị khô da và bệnh chàm. Ngoài ra, dầu dừa nguyên chất có thể bảo vệ da bằng cách giúp chống viêm và cải thiện hàng rào bảo vệ da. Một nghiên cứu đã xem xét tác động của việc thoa dầu dừa nguyên chất lên da ở trẻ em. Kết quả cho thấy rằng việc sử dụng dầu trong 8 tuần đã cải thiện các triệu chứng của bệnh chàm.

Cách dùng: Thoa dầu dừa nguyên chất đã được ép lạnh trực tiếp lên da sau khi tắm và nhiều lần trong ngày. Sử dụng trước khi đi ngủ để giữ ẩm cho da qua đêm. Tuy nhiên cần chú ý những người bị dị ứng với dừa không nên sử dụng dầu dừa.

  1. Mật ong

Tác dụng: Mật ong có khả năng kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên, chữa lành vết thương và tăng cường hệ thống miễn dịch. Mật ong rất hữu ích để điều trị nhiều loại bệnh về da, bao gồm cả vết bỏng và vết thương.

Cách dùng:  Chấm một chút mật ong và thoa lên vùng da bị chàm có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đồng thời giữ ẩm cho da và đẩy nhanh quá trình chữa lành.

  1. Tinh dầu tràm trà

Tác dụng: Tinh dầu chiết xuất từ lá của cây tràm trà Melaleuca alternifolia thường được sử dụng để chữa các vấn đề về da, bao gồm cả bệnh chàm. Nó có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và chữa lành vết thương, giảm khô và ngứa da và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Cách dùng: Pha loãng tinh dầu tràm trà trước khi sử dụng trên da bằng cách trộn tinh dầu tràm trà với dầu khác như dầu hạnh nhân hoặc dầu ô liu. Có thể dùng một số sản phẩm chứa tinh dầu tràm trà ở dạng pha loãng được bán sẵn.

  1. Thay đổi chế độ ăn uống

Bệnh chàm là một tình trạng viêm nhiễm khiến da bị viêm, đỏ và đau. Một số loại thực phẩm có thể giảm viêm hoặc gây viêm trong cơ thể, vì vậy thực hiện một số thay đổi quan trọng trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm bùng phát bệnh chàm.

Các thực phẩm chống viêm bao gồm: cá, rau xanh, đậu, trái cây, rau, nghệ, quế… Thực phẩm gây viêm phổ biến bao gồm sữa, trứng, đậu nành và lúa mì. Hãy thử loại bỏ một số các thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống và ghi nhật ký thực phẩm để giúp xác định thực phẩm nào có vấn đề.

  1. Xà phòng và chất tẩy rửa nhẹ

Bột giặt có thể chứa các hóa chất mạnh làm trầm trọng thêm bệnh chàm. Chất tẩy rửa và các tác nhân tiềm ẩn khác có thể làm khô da, đặc biệt là ở những người bị bệnh chàm. Xà phòng dạng thỏi cũng có thể gây khó chịu trên da vì tính kiềm.

Hãy sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không tạo bọt và không có mùi thơm. Tránh các sản phẩm có các hạt thô để tẩy tế bào chết vì chúng có thể gây kích ứng da. Những người bị bệnh chàm cũng nhận thấy khi chuyển sang dùng loại nước giặt nhẹ hơn, không có mùi thơm hoặc không có màu có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, hãy thử không dùng nước xả vải vì chất làm mềm vải còn đọng lại trên quần áo thường chứa hương thơm và hóa chất có thể gây kích ứng da.

  1. Tránh các nguồn nhiệt cao

Ngồi cạnh lò sưởi hoặc gần lò sưởi có thể cảm thấy dễ chịu, nhưng không khí khô, nóng có thể làm da bị mất nước và làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa ngáy của bệnh chàm.

Nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong những tháng mùa đông khô hanh và tránh để quá gần máy sưởi và lò sưởi.

  1. Mặc kín trong thời tiết lạnh

Gió mùa đông lạnh và khắc nghiệt có thể làm khô da và gây ra các vết chàm.

Giữ da được che phủ khi nhiệt độ thấp. Ngoài ra, cũng nên cân nhắc che mặt bằng khăn nếu bị chàm ở mặt.

Lược dịch

Nguyễn Thị Như Ngọc

Tham khảo:

Top 12 natural remedies for eczema. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324228#stay-warm

Trả lời