Bưởi chùm và tương tác thuốc trên lâm sàng

 

 

Giới thiệu về cây bưởi chùm (Grapefruit)

            Bưởi chùm còn có tên khác như bưởi đắng, bưởi nho, bưởi Mỹ là một loại cây ăn quả thuộc chi Citrus họ Cam Rutaceae, tên khoa học là Citrus paradisi. Đây là một loài trong chi Citrus, một chi bao gồm nhiều loại cây ăn quả quen thuộc ở Việt Nam như chanh (Citrus aurantifolia), cam (Citrus sinensis), bưởi (Citrus maxima) và quýt (Citrus reticulata). Nước ép từ trái bưởi chùm chủ yếu được đóng chai và sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày giống như các loại nước hoa quả khác như nước cam, nước táo. Các nước sử dụng nhiều nhất nước ép bưởi chùm bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Canada, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện tại ở Việt Nam đang lưu hành một số sản phẩm nước ép bưởi chùm trong một số hệ thống siêu thị bán lẻ trên toàn quốc.

Đặc điểm thực vật của cây bưởi chùm

            Bưởi chùm có nguồn gốc tự nhiên từ các nước Trung và Nam Mỹ, lần đầu được miêu tả bởi Griffith Hughes (1707-1758), nhà tự nhiên học người xứ Wales thuộc Vương quốc Anh, vào năm 1750 khi ông khảo sát các loài thực vật tại đảo Barbados thuộc vùng biển Caribe. Bưởi chùm là kết quả lai tạo tự nhiên giữa bưởi (Citrus maxima) và cam (Citrus sinensis). Đây là loài cây thân gỗ có thể cao 4,5-6m, tán cây hình tròn và thường có nhiều nhánh, thân cây có thể đạt đường kính 15cm. Quả bưởi chùm thường có hình tròn hoặc hơi thon như hình quả lê, khi chín vỏ quả có màu vàng tươi, ruột bên trong có màu đỏ hồng rất đẹp. Trái bưởi chùm khi chín có vị chua, ngọt xen chút vị đắng và vị chát tạo cho nước ép tự nhiên của trái bưởi chùm có vị đặc biệt khó quên. Khí hậu thích hợp của cây bưởi chùm là vùng khí hậu cận nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều. Hiện nay, cây bưởi chùm được trồng và thu hái tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Mexico, Nam Phi, Syrie, Trung Quốc…

BUOICHUM.jpg

Hình 1. Hình ảnh trái bưởi chùm khi chín

Công dụng của trái bưởi chùm

            Trái bưởi chùm được sử dụng rộng rãi thường ngày tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong những năm 1970, bưởi chùm được sử dụng trong chế độ ăn kiêng bưởi chùm do được quảng cáo có tác dụng giảm cân (khoảng 4,5kg/10 ngày đầu tiên sử dụng chế độ ăn kiêng và giảm tiếp trong thời gian sau đó). Trong những năm 1980, bưởi chùm được tiêu thụ phổ biến chỉ sau một số loại rau củ quả như khoai tây, rau xà lách, cam và táo trong số các loại rau củ quả tươi được bán trong các siêu thị tại thành phố New York, Mỹ. Nước ép tự nhiên của trái bưởi chùm thường được làm ngọt bằng cách thêm đường trắng hoặc đường vàng, mật ong. Ngoài ra, có thể thêm một số thành phần điều hương vị như quế, nhục đậu khấu, đinh hương. Trái bưởi chùm còn được sử dụng làm salad hoa quả, thạch và bánh. Thành phẩm được bán trên thị trường thường được đóng chai dạng nước ép, siro hoặc mứt.

            Vỏ trái bưởi chùm chứa thành phần tinh dầu bao gồm 90% là limonen, sesquiterpen và các thành phần dễ bay hơi chiếm 2-3%, các chất aldehyd, geraniol, cadinen, citral và dimethyl arthranilat chiếm 7-8%, còn lại là thành phần dẫn chất coumarin, stigmasterol. Hiện nay tinh dầu bưởi chùm rất được ưa chuộng trên thế giới, được sử dụng như một sản phẩm làm đẹp bao gồm các loại dầu gội đầu, sữa tắm, dầu massage do có tác dụng giúp tinh thần tỉnh táo, sảng khoái dễ chịu, giúp tóc dài và mượt mà, chống rụng tóc, giúp làn da mịn màng và sạch khuẩn…

Trong y học, trái bưởi chùm có nhiều ứng dụng phòng và chữa bệnh. Vỏ chứa các hợp chất lycopene có tác dụng chống oxy hoá. Phần xơ nằm giữa vỏ và ruột có chứa hàm lượng cao vitamin C. Phần ruột có tác dụng phòng ngừa ung thư đại trực tràng, hạ cholesterol và chữa viêm đường tiết niệu. Một số chế phẩm chế biến từ hạt bưởi chùm, trộn với phần ruột, glycerol, hỗn hợp được nghiền mịn và đóng gói dưới dạng thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn.

Cơ chế tương tác thuốc của nước ép bưởi chùm

            Trước đây, nước ép trái bưởi chùm được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày tại nhiều nước. Kể từ khi Bailey và CS. (1989) phát hiện ra vai trò của nước ép bưởi chùm trong tương tác với felodipine khi được sử dụng đồng thời, các bác sĩ điều trị và bệnh nhân mới bắt đầu thận trọng trong việc sử dụng loại nước ép này đồng thời với sử dụng một số loại thuốc như nhóm thuốc an thần, gây ngủ benzodiazepin, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc statin hạ cholesterol máu… Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tác dụng ức chế hệ thống enzyme chuyển hoá thuốc CYP450 là nguyên nhân gây ra tương tác thuốc bất lợi của nước ép bưởi chùm.

            Các thành phần hoá học trong nước ép bưởi chùm ức chế chuyển hoá thuốc thông qua hai cơ chế: 1. Ức chế CYP3A4 có trong đường tiêu hoá: tăng giáng hoá CYP3A4 do cơ chế ức chế không thuận nghịch hoặc làm giảm quá trình phiên mã ARNm để tổng hợp CYP3A4, hậu quả làm giảm tới 47% nồng độ của CYP3A4 trong đường tiêu hoá chỉ sau 4h sử dụng nước ép và tác dụng ức chế CYP3A4 kéo dài tới 24h. 2. Ức chế P-glycoprotein (P-gp): P-gp có chức năng vận chuyển thuốc đã được hấp thu vào các tế bào hấp thu của thành ruột quay trở lại lòng ruột. Một số nghiên cứu cho thấy nước ép bưởi có tác dụng ức chế P-gp, do đó làm giảm lượng thuốc được đưa trở lại lòng ruột, làm tăng tỷ lệ thuốc được hấp thu và tăng sinh khả dụng (SKD) của thuốc. Cơ chế này chỉ đóng vai trò phụ.

            Nhiều chất có hoạt tính sinh học đã được xác định có trong loại nước ép này. Đó là các dẫn chất flavonoid như naringenin, naringin, quercetin, kaempferol và dẫn chất khác như bergamottin, 6′-7′-dihydroxybergamottin. Trong các nghiên cứu in-vitro, các chất này đều thể hiện tác dụng ức chế mạnh CYP3A4. Tuy nhiên tác dụng ức chế trong các nghiên cứu in-vivo đều ở mức trung bình. Thông thường, các dẫn chất flavonoid được thuỷ phân ở đường tiêu hoá nhờ các enzyme thuỷ phân esterase của hệ vi khuẩn ruột tạo thành aglycon và giải phóng phần đường. Các phân tử này có cấu trúc polyphenol và giàu electron, có tác dụng ức chế cạnh tranh cơ chất của CYP450. Naringin là dẫn chất flavonoid chiếm hàm lượng cao nhất trong số các chất có trong nước ép bưởi chùm, là chất tạo ra vị đắng riêng biệt cho bưởi chùm. Bản thân chất này không ức chế CYP450 nhưng chất chuyển hoá là naringenin lại có tác dụng ức chế mạnh CYP450 bao gồm CYP3A4 và CYP1A2. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu thấy rằng tác dụng ức chế CYP450 của naringenin tại đường tiêu hoá rất khiêm tốn. Do đó, đây không phải là chất ức chế chuyển hoá thuốc chính trong thành phần nước ép bưởi chùm. Nhóm chất khác được nghiên cứu là furanocoumarin, bao gồm 6′-7′-dihydroxybergamottin và chất mẹ là bergamottin chính là các chất có tác dụng ức chế CYP450 mạnh nhất.

CTHH1.jpgCTHH2.jpg

Hình 2. Cấu trúc hoá học của Naringin (a), Naringenin (b), Bergamottin và 6′,7′-Dihydroxybergamottin

            Tác dụng ức chế CYP3A4 của nhóm chất này có đặc điểm phụ thuộc liều dùng và thời gian sử dụng. Tuy nhiên, uống 1 ly nước bưởi chùm  (250ml) có thể đủ để gây ra tác dụng ức chế enzyme chuyển hoá thuốc gần mức tối đa. Tác dụng ức chế CYP3A4 của nước bưởi chùm có thể kéo dài tới 24h sau khi được sử dụng. Thực tế trên lâm sàng cho thấy có thể khoảng cách 24h kể từ khi sử dụng nước bưởi là đủ để tránh trường hợp tương tác thuốc. Bergamottin là dẫn chất furanocoumarin có hàm lượng cao nhất trong thành phần nước ép bưởi chùm. Nhóm dẫn chất furanocoumarin không chỉ có trong thành phần nước ép mà còn xuất hiện trong vỏ, xơ của trái bưởi chùm. Chúng ta cần lưu ý tác dụng ức chế CYP3A4 của nước ép bưởi chùm chỉ xảy ra ở đường tiêu hoá, do đó làm tăng SKD của thuốc uống dùng kèm. Với thuốc dùng đường tiêm, nước ép bưởi chùm không làm ảnh hưởng tới chuyển hoá hay đào thải thuốc. Một số nghiên cứu cho thấy nước ép chỉ làm tăng diện tích dưới đường cong (AUC) của thuốc mà không làm thay đổi thời gian bán thải và độ thanh thải.

Hậu quả trên lâm sàng do tương tác thuốc với nước ép bưởi chùm

            Mức độ ý nghĩa lâm sàng của tương tác thuốc phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của độc tính liên quan đến liều thuốc và mức tăng nồng độ thuốc trong hệ tuần hoàn. Trong trường hợp xảy ra tương tác thuốc với nước ép bưởi chùm, mức tăng nồng độ thuốc có tương tác phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có SKD đường uống vốn có của cá thể, các điều kiện liên quan sử dụng nước ép và mức độ nhạy cảm của người bệnh với tương tác thuốc. Các thuốc tương tác với nước bưởi chùm có thể được phân chia theo SKD thành 4 nhóm: SKD rất thấp (30%-70%) và SKD cao (>70%). Với SKD đường uống vốn có của cá thể, SKD càng thấp thì khi xảy ra tương tác với nước ép bưởi chùm, mức tăng nồng độ thuốc có tương tác trong hệ tuần hoàn càng cao. SKD cao, mức tăng nồng độ thuốc không có nhiều ý nghĩa.

Bảng 1. Mức độ và hậu quả của tương tác thuốc với nước ép bưởi chùm

Thuốc có tương tác

Phân loại SKD

Tác động bất lợi phụ thuộc liều

Nguy cơ tương tác

Thuốc có thể thay thế cho thuốc tương tác

Thuốc điều trị ung thư

 

Crisotinib

Trung bình

Xoắn đỉnh, ức chế tuỷ xương

Cao

 

Dasatinib

Chưa phân loại

Xoắn đỉnh, ức chế tuỷ xương

Cao

Imatinib

Erlotinib

Trung bình

Ức chế tuỷ xương

Cao

 

Everolimus

Thấp

Ức chế tuỷ xương, độc với thận

Cao

 

Lapatinib

Chưa phân loại

Xoắn đỉnh, ức chế tuỷ xương

Cao

 

Nilotinib

Trung bình

Xoắn đỉnh, ức chế tuỷ xương

Cao

Imatinib

Pazopanib

Trung bình

Xoắn đỉnh, ức chế tuỷ xương

Cao

Sorafenib

Sunitinib

Chưa phân loại

Xoắn đỉnh, ức chế tuỷ xương

Cao

Sorafenib

Vandetanib

Chưa phân loại

Xoắn đỉnh, ức chế tuỷ xương

Cao

 

Venurafenib

Chưa phân loại

Xoắn đỉnh, ức chế tuỷ xương

Cao

 

Thuốc kháng khuẩn-kháng virus

 

Erythromycin

Trung bình

Xoắn đỉnh

Cao

Clarithromycin

Halofantrine

Thấp

Xoắn đỉnh

Rất cao

Doxycycline

Maraviroc

Thấp

Hạ HA thế đứng, ngất

Rất cao

Enfuvirtide

Primaquine

Trung bình

Suy tuỷ xương

Cao

Doxycycline

Quinine

Trung bình

Xoắn đỉnh

Cao

Doxycycline

Rilpivirine

Chưa phân loại

Xoắn đỉnh

Cao

Nevirapine

Thuốc hạ cholesterol máu

 

Atorvastatin

Thấp

Tiêu cơ vân

Cao

Pravastatin, rosuvastatin, fluvastatin

Lovastatin

Rất thấp

Tiêu cơ vân

Rất cao

Pravastatin, rosuvastatin, fluvastatin

Simvastatin

Rất thấp

Tiêu cơ vân

Rất cao

Pravastatin, rosuvastatin, fluvastatin

Thuốc tác động trên hệ tim mạch

 

Amiodarone

Trung bình

Xoắn đỉnh

Cao

Sotalol

Apixaban

Trung bình

Xuất huyết tiêu hoá

Cao

Warfarin

Clopidogrel

Rất thấp

Giảm hiệu quả

Cao

Aspirin

Dronedarone

Thấp

Xoắn đỉnh

Rất cao

Sotalol

Eplerenone

Trung bình

Tăng kali huyết, loạn nhịp tim

Cao

Spironolacton

Felodipine

Thấp

Hạ HA, phù ngoại vi

Trung bình

Amlodipine

Nifedipine

Trung bình

Hạ HA, phù ngoại vi

Trung bình

Amlodipine

Quinidine

Cao

Xoắn đỉnh

Trung bình

 

Rivaroxaban

Cao

Xuất huyết tiêu hoá

Trung bình

Warfarin

Ticagrelor

Trung bình

Xuất huyết tiêu hoá, thận

Cao

Aspirin

Thuốc tác động trên hệ TKTW

 

Alfentanil (uống)

Trung bình

Suy hô hấp

Cao

Hydromorphone, morphine

Buspirone

Rất thấp

An thần, chóng mặt

Cao

Oxazepam, tamazepam

Dextromethorphan

Rất thấp

Ảo giác, mất ngủ

Cao

 

Fentanyl (uống)

Trung bình

Suy hô hấp

Cao

Hydromorphone, morphine

Ketamine (uống)

Thấp

Suy hô hấp

Rất cao

Hydromorphone, morphine

Lurasidone

Thấp

Xoắn đỉnh, hạ HA, ngất

Rất cao

Haloperidol, risperidone, olanzapine

Oxycodon

Trung bình

Suy hô hấp

Cao

Hydromorphone, morphine

Pimozide

Trung bình

Xoắn đỉnh

Cao

Haloperidol, risperidone, olanzapine

Quetiapine

Rất thấp

Chóng mặt, mất ngủ

Cao

Haloperidol, risperidone, olanzapine

Triazolam

Trung bình

An thần, gây ngủ

Trung bình

Alprazolam, lorazepam

Ziprasidone

Trung bình

Xoắn đỉnh

Cao

Haloperidol, risperidone, olanzapine

Thuốc ức chế hệ miễn dịch

 

Cyclosporine

Thấp

Độc với thận

Cao

 

Everolimus

Thấp

Suy tuỷ xương, độc với thận

Cao

 

Sirolimus

Thấp

Suy tuỷ xương, độc với thận

Cao

 

Tacrolimus

Thấp

Độc với thận

Cao

 

Thuốc tác động trên hệ tiết niệu

 

Darifenacin

Thấp

Ứ nước tiểu, táo bón

Trung bình

 

Fessoterodine

Trung bình

Ứ nước tiểu, táo bón

Trung bình

 

Solifenacin

Cao

Xoắn đỉnh

Trung bình

 

Silodosin

Trung bình

Hạ HA thế đứng, chóng mặt

Trung bình

 

Tamsulosin

Trung bình

Hạ HA thế đứng, chóng mặt

Trung bình

 
           

Bảng 2. Một số trường hợp tương tác thuốc với nước bưởi chùm gây ra tác động bất lợi nghiêm trọng đã được ghi nhận

Tác động bất lợi nghiêm trọng

Thuốc có tương tác

Lượng nước ép bưởi chùm sử dụng

Xoắn đỉnh

Amiodarone

1-1,5L/ngày

Ngưng tim

Verapamil

Sử dụng lượng lớn

Tiêu cơ vân

Atorvastatin

1-2 ly/ngày, trong 5 ngày trước

Tiêu cơ vân

Simvastatin

1 trái bưởi/ngày, trong 2 tuần trước

Suy tuỷ xương

Colchicine

1L/ngày, trong 2 tháng trước

Huyết khối tĩnh mạch

Ethinylestradiol

1 trái bưởi/ngày, trong 3 ngày trước

Độc với thận

Tacrolimus

1,5kg mứt bưởi chùm trong 1 tuần trước

Kết luận

            Trái bưởi chùm là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng loại trái cây này bao gồm cả nước ép và các chế phẩm khác cùng với một số loại thuốc uống có thể gây ra tương tác thuốc làm cho sinh khả dụng của thuốc tăng cao, gây ra một số tác động bất lợi cho người bệnh. Cần lưu ý là kiểu tương tác thuốc này chỉ xảy ra với thuốc dùng đường uống và với một số thuốc nhất định, ngay cả với các thuốc trong cùng một nhóm dược lý. Mặc dù chưa có các nghiên cứu về tương tác thuốc với nước ép chanh, cam, quýt và bưởi ở Việt Nam, cần thận trọng với nguy cơ tương tác thuốc tương tự như trường hợp của nước bưởi chùm. Thực tế trên lâm sàng, việc hiểu biết về tương tác thuốc trong trường hợp này có thể giúp bác sĩ, dược sĩ và bản thân người bệnh tránh được các nguy cơ có hại cho sức khoẻ người bệnh, giúp sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.

TS. Trương Viết Thành

Tài liệu tham khảo:

  1. Dahan A., Atman H. (2004), Food–drug interaction: grapefruit juice augments drug bioavailabilityFmechanism, extent and relevance, EJCN, 58, p.1-9.
  2. David Bailey et al. (2013), Grapefruit–medication interactions: Forbidden fruit or avoidable consequences?, CMAJ, 185(4), p.309-316.
  3. Domenic A. Sica (2006), Interactions of Grapefruit juice and calcium channel blockers, American Journal of Hypertension, 19, p.768-773.
  4. Garvan C. Kane, James J.Lipsky (2000), Drug-Grapefruit juice interactions, Mayo Clin Proc, 75, p.933-942.
  5. Morton, J. (1987). Grapefruit. p. 152–158. In: Fruits of warm climates. Julia F. Morton, Miami, FL.
  6. Zakia Bibi (2008), Role of cytochrome P450 in drug interactions, Nutrition & Metabolism, 5(27), p.43-52.

 

Trả lời