Chế độ ăn keto (ketogenic diet, viết tắt là KD) là một liệu pháp dinh dưỡng giàu chất béo, đủ protein, ít carbohydrate, trong y học thông thường được sử dụng chủ yếu để điều trị bệnh động kinh khó kiểm soát (kháng trị) ở trẻ em. Chế độ ăn này buộc cơ thể tiêu thụ chất béo để sinh năng lượng thay vì carbohydrate.
Thông thường, carbohydrate trong thực phẩm được chuyển hóa thành glucose, sau đó được vận chuyển khắp cơ thể và có vai trò hết sức quan trọng cho việc duy trì chức năng não. Tuy nhiên, nếu chỉ có một lượng nhỏ carbohydrate trong chế độ ăn, gan sẽ chuyển hóa chất béo thành axit béo và chất chứa nhóm ketone (C=O, tạm gọi là thể ketone), thể ketone sau đó đi vào não thay thế glucose làm nguồn năng lượng. Mức độ thể ketone cao trong máu (trạng thái gọi là ketosis) cuối cùng làm giảm tần suất các cơn co giật động kinh.
Mặc dù chế độ KD cải thiện một số tình trạng sức khỏe và hiện nay được áp dụng phổ biến cho việc giảm cân, các tác động có hại cũng đã được báo cáo. Trong nghiên cứu được công bố vào tháng 05/2024 trên tạp chí Science Advances, nhóm tác giả Davis Gius và cộng sự đã thực hiện thí nghiệm trên chuột với hai chế độ KD khác nhau và ở các độ tuổi khác nhau, kết quả cho thấy có hiện tượng lão hóa tế bào trong nhiều cơ quan, bao gồm tim và thận.
Tế bào lão hóa (senescent cells) là các tế bào đã ngừng phân chia và không còn thực hiện được chức năng bình thường của mình do bị tổn thương hoặc già hóa. Thay vì chết đi theo quy trình tự nhiên (apoptosis), các tế bào này vẫn tồn tại trong cơ thể và bước vào trạng thái “zombie-like”. Sự tích tụ của các tế bào lão hóa và viêm nhiễm liên quan đến tuổi tác và có mối tương quan rõ với nhiều bệnh như loãng xương, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận và Alzheimer.
Mặc dù nhiều người đã áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate như keto để giảm cân và kiểm soát đường huyết, nghiên cứu về tác động sức khỏe của chúng vẫn còn mâu thuẫn, với một số nghiên cứu cho thấy chúng tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Trong nghiên cứu này, David Gius tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở San Antonio và các đồng nghiệp báo cáo rằng chế độ ăn KD ở chuột làm tăng tích tụ các tế bào lão hóa trong tim, thận, phổi và não. Sự tích tụ này cho thấy chế độ ăn keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan, dẫn đến các vấn đề sức khỏe và tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim và ung thư.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã cho sáu con chuột ăn chế độ ăn ketogenic trong ba tuần. Hơn 90% calo của chúng đến từ chất béo và ít hơn 1% từ carbohydrate. Một nhóm đối chứng ăn chế độ ăn tiêu chuẩn với 17% calo từ chất béo và 58% từ carbohydrate. Các nhà nghiên cứu sau đó phân tích các mẫu mô tim, thận, gan và não từ chuột, tìm kiếm các tế bào lão hóa. Những tế bào này tồn tại trong các mô, tiết ra các chất gây viêm. Các con vật theo chế độ ăn KD có nhiều tế bào lão hóa trong cơ quan hơn đáng kể so với những con theo chế độ ăn tiêu chuẩn. Chẳng hạn, thận của chúng chứa trung bình gấp bốn lần lượng marker của tế bào lão hóa so với thận của động vật được ăn chế độ ăn bình thường.
Tế bào lão hóa tăng lên theo tuổi tác. Vì vậy, những phát hiện này cho thấy chế độ ăn keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan, điều này sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, ung thư và tiểu đường type 2. Tuy nhiên, việc chuyển chuột trở lại chế độ ăn tiêu chuẩn đã làm giảm các tế bào lão hóa.
Russell Jones tại Viện Van Andel ở Michigan (không tham gia vào nghiên cứu) cho rằng, chưa rõ kết quả nghiên cứu áp dụng trên người như thế nào, bởi chế độ ăn thí nghiệm với 90% chất béo là gần như không thể thực hiện được trên người bình thường.
Tác giả Gius, đại diện nhóm nghiên cứu, cũng tỏ ra thận trọng trong việc diễn giải các kết quả nghiên cứu của mình, ông phát biểu: “Mặc dù chế độ ăn keto có thể là một điều tốt, nhưng không phải dành cho tất cả mọi người. Và quan trọng là bạn cần phải có những khoảng nghỉ…” “…Tôi nghĩ bài báo của chúng tôi thực sự nói rằng chúng ta cần nghiên cứu điều này một cách nghiêm túc hơn.”
Lược dịch và tổng hợp
Võ Quốc Hùng
Tham khảo
“Keto Diet May Accelerate Organ Ageing.” New Scientist. Accessed May 28, 2024. https://www.newscientist.com/article/2431747-keto-diet-may-accelerate-organ-ageing/.
Freeman, John M., Eric H. Kossoff, and Adam L. Hartman. “The Ketogenic Diet: One Decade Later.” Pediatrics 119, no. 3 (March 1, 2007): 535–43. https://doi.org/10.1542/peds.2006-2447.
Wei, Sung-Jen, Joseph R. Schell, E. Sandra Chocron, Mahboubeh Varmazyad, Guogang Xu, Wan Hsi Chen, Gloria M. Martinez, et al. “Ketogenic Diet Induces P53-Dependent Cellular Senescence in Multiple Organs.” Science Advances 10, no. 20 (May 17, 2024): eado1463. https://doi.org/10.1126/sciadv.ado1463.
Wong, Carissa. “How to Kill the ‘Zombie’ Cells That Make You Age.” Nature 629, no. 8012 (May 15, 2024): 518–20. https://doi.org/10.1038/d41586-024-01370-4.
- Tirzepatide giúp cải thiện tình trạng suy tim phân suất tống máu bảo tồn trên bệnh nhân béo phì
- FDA chấp thuận Ebglyss (Lebrikizumab) điều trị viêm da dị ứng
- Bệnh Alzheimer: Các loại thuốc mới được chấp thuận trên lâm sàng có tạo ra sự khác biệt thực sự không?
- FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà
- Tổn thương gan do thuốc
- Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga
- Tác dụng kháng virus của gamma-mangostin
- Một số điểm mới trong quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 17/11/2023
- Si rô ngô giàu fructose thúc đẩy sự phát triển khối u đường ruột ở chuột
- FDA cấp phép phê duyệt nhanh AMTAGVI điều trị ung thư hắc tố da
- WAINUA – THUỐC MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA THẦN KINH TÍCH TỤ AMYLOID DO ĐỘT BIẾN GEN
- CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN CỦA IDSA VỀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN DO ACINETOBACTER BAUMANNII KHÁNG CARBAPENEM NĂM 2023
- Làm việc vào ban đêm, buồn ngủ và sử dụng thuốc Modafinil
- FDA chấp thuận Vegzelma trong điều trị ung thư
- Nghiên cứu thuần tập đánh giá mối liên quan giữa đường nhân tạo (đường hóa học) và nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Thị trường thuốc điều trị ung thư vú giai đoạn 2020 – 2027