Chế độ dinh dưỡng bổ sung có cần thiết trong thời kỳ Covid-19?

 

COVID-19 là gì?

COVID-19 (bệnh do coronavirus gây ra) lần đầu tiên được xác định vào cuối năm 2019. Bệnh này do coronavirus 2 (SARS-CoV-2) gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng mới. Những người bị COVID-19 thường có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ bắp và tiêu chảy. Các dấu hiệu và triệu chứng rất khác nhau ở mỗi người. Một số người bị mắc COVID-19 trở nặng khi khởi phát các triệu chứng với tình trạng khó thở và viêm phổi. Chức năng thận, gan hoặc phổi của người bệnh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số người xảy ra tình trạng mãn tính kéo dài, các triệu chứng của COVID kéo dài bao gồm mệt mỏi, yếu cơ, khó ngủ, khó tập trung và ghi nhớ rõ ràng.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với COVID-19 như thế nào?

Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ các tế bào, mô và cơ quan giúp chống lại các yếu tố ngoại lai xâm nhập (kháng nguyên) vào cơ thể. Hệ thống miễn dịch cũng phản ứng bằng cách gây viêm – đỏ, sưng và nóng – giúp tiêu diệt vi khuẩn và giúp cơ thể được chữa lành. Tuy nhiên, phản ứng viêm quá mức cũng có thể gây ra tổn thương. Một số bệnh nhân mắc COVID-19 bị tổn thương phổi do viêm. Một số khác trải qua phản ứng miễn dịch được gọi là cơn bão cytokine rất nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ tử vong. Điều trị y tế để giảm tình trạng viêm ở bệnh nhân mắc COVID-19 là rất quan trọng.

Vắc xin “dạy” cho hệ thống miễn dịch của cơ thể cách chống lại các tác nhân lạ xâm nhập gây bệnh. Khi chủng ngừa một loại tác nhân cụ thể, các tế bào bạch cầu của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể tương ứng. Nếu cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên đó một lần nữa, các kháng thể sẵn có sẽ nhận ra và tiêu diệt. Một số loại vắc xin cần được tiêm nhắc lại hằng năm hoặc vài năm.

Kiến thức về các thực phẩm dinh dưỡng bổ sung và COVID-19?

Chưa có nghiên cứu rõ ràng chứng minh bất kỳ loại thực phẩm dinh dưỡng bổ sung nào giúp ngăn ngừa COVID-19 hoặc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19. Chỉ có vắc xin và thuốc mới có thể ngăn ngừa COVID-19 và điều trị các triệu chứng của nó.

Hệ thống miễn dịch cần một số vitamin và khoáng chất để hoạt động bình thường. Chúng bao gồm vitamin C, vitamin D và kẽm. Các thực phẩm chức năng chứa thảo dược, men vi sinh và các thành phần dinh dưỡng bổ sung khác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và chống viêm. Chúng ta thường tự hỏi liệu việc uống một số loại thực phẩm chức năng có thể giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn trước COVID-19 hay không. Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách một số thành phần dinh dưỡng bổ sung có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại nhiễm khuẩn, vi rút và các bệnh khác của cơ thể. Các kết quả cho đến nay chưa cho thấy bất kỳ trường hợp nào hữu ích cho điều trị COVID-19.

N-acetylcysteine

N-acetylcysteine ​​(NAC) hoạt động như một chất chống oxy hóa và giúp giảm chất nhầy trong đường hô hấp (miệng, mũi, họng và phổi). NAC cũng có thể làm tăng chức năng miễn dịch, giúp chống lại vi rút và giảm viêm.

NAC có thể giúp giảm các triệu chứng của viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các rối loạn tương tự ảnh hưởng đến hô hấp. Một số thử nghiệm lâm sàng đang xem xét liệu chất bổ sung NAC có giúp giảm các triệu chứng ở những người có COVID-19 hay không, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Axit béo omega-3

Omega-3 là axit béo không bão hòa đa được tìm thấy trong cá béo, dầu cá, dầu thực vật như dầu hạt lanh, đậu nành và dầu hạt cải. Omega-3 rất quan trọng đối với màng tế bào và chức năng của tim, phổi, hệ thống miễn dịch và hệ thống nội tiết.

Một nghiên cứu cho thấy rằng những người báo cáo dùng chất bổ sung omega-3 ít có khả năng bị nhiễm COVID-19 hơn những người khác. Một nghiên cứu khác cho thấy bổ sung omega-3 đã cải thiện tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân trong bệnh viện với COVID-19, nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để chứng minh kết quả.

Probiotics

Probiotics là các vi sinh vật sống (vi khuẩn và nấm men) cung cấp các lợi ích cho sức khỏe. Probiotics có thể tăng cường chức năng miễn dịch và có thể giúp chống lại vi rút. Một vài nghiên cứu cho thấy rằng những người báo cáo dùng chất bổ sung probiotic ít có khả năng bị nhiễm COVID-19 hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy một loại probiotic có chứa vi khuẩn Streptococcus, Lactobacillus và Bifidobacterium (kết hợp với thuốc) làm giảm các triệu chứng ở bệnh nhân COVID-19, nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh.

Vitamin C

Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu được tìm thấy trong trái cây họ cam quýt và nhiều loại trái cây và rau quả khác. Vitamin C rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch khỏe mạnh. Vitamin C có thể giúp giảm số ngày cảm lạnh thông thường kéo dài và làm giảm các triệu chứng. Trong một thử nghiệm lâm sàng, việc bổ sung hàng ngày 8.000 mg vitamin C, 50 mg kẽm, hoặc cả hai trong 10 ngày ở những người bị COVID-19 không giúp rút ngắn số ngày có triệu chứng. Một số thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành để xem liệu vitamin C có giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay giúp giảm các triệu chứng ở những người bị COVID-19, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Vitamin D

Vitamin D là một chất dinh dưỡng thiết yếu có trong cá béo và dầu gan cá, và một lượng nhỏ trong gan bò, lòng đỏ trứng và pho mát, sữa. Cơ thể cũng có thể tạo ra vitamin D từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin D rất quan trọng cho xương khỏe mạnh và chức năng miễn dịch. Vitamin D có thể giúp bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là ở những người có mức vitamin D thấp. Chưa thể xác định rõ rõ liệu vitamin D có giúp chống lại COVID-19 hay không. Trong một thử nghiệm lâm sàng, những bệnh nhân nhập viện với COVID-19 mức độ trung bình đến nặng được cho uống một liều duy nhất 5.000 mcg (200.000 IU) vitamin D không có thời gian nằm viện ngắn hơn hoặc nguy cơ tử vong thấp hơn, ngay cả những người bị thiếu vitamin D. Một số thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành để xem liệu vitamin D có giúp giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 hay giúp giảm các triệu chứng ở những người mắc bệnh COVID-19, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Kẽm

Kẽm là một chất dinh dưỡng thiết yếu được tìm thấy trong hải sản, thịt, đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa. Đây là thành phần quan trọng đối với một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, tạo ra protein và DNA, chữa lành vết thương cũng như các giác quan của vị giác và khứu giác. Bổ sung kẽm có thể giúp rút ngắn số ngày cảm lạnh thông thường kéo dài. Một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để xem liệu kẽm có giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay giúp giảm các triệu chứng ở những người có COVID-19, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Do đó, việc trao đổi với các nhân viên chăm sóc sức khỏe (bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, v.v.) về việc sử dụng các chất dinh dưỡng bổ sung là cần thiết và được khuyến cáo để đảm bảo những gì tốt nhất có thể cho sức khỏe.

Lược dịch

Ngô Thị Kim Cúc

Nguồn: National Institutes of Health (NIH), Dietary Supplements in the Time of COVID-19 – Consumer, Updated August 17, 2021.

Link: https://ods.od.nih.gov/factsheets/DietarySupplementsInTheTimeOfCOVID19-Consumer/

 

Trả lời