Cơ quan y tế tiết lộ vấn nạn thuốc giả ở các nước đang phát triển

 

Số liệu của WHO cho thấy khoảng 10% thuốc ở các nước nghèo là thuốc giả hoặc thuốc không đạt chuẩn

Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước đang phát triển cứ mười thuốc thì có một thuốc là giả hoặc không đạt chuẩn.

Thuốc sốt rét và kháng sinh là những thuốc được báo cáo nhiều nhất. Tuy nhiên vấn nạn này còn lan đến nhiều loại thuốc khác bao gồm thuốc điều trị ung thư, bệnh tim mạch và HIV, cũng như thuốc tránh thai và thuốc giảm đau.

Các số liệu mới nhất được đưa ra từ một cặp báo cáo 1, 2 của WHO vào ngày 28 tháng 11 vừa qua – báo cáo đầu tiên của cơ quan này về thuốc giả trong khoảng một thập kỷ. Những phát hiện này tập trung vào các loại thuốc có chất lượng kém ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình: có 1.500 báo cáo trong vòng 4 năm qua, 42% đến từ các quốc gia Châu Phi, 21% từ châu Mỹ và 21% từ châu Âu.

Các dữ liệu cho đến nay vẫn còn chưa đủ, bởi vì không có cơ chế để theo dõi vấn đề này. WHO đã thiết lập một hệ thống toàn cầu để báo cáo các loại thuốc kém chất lượng vào năm 2013, theo dõi các loại thuốc cố ý làm giả, không đạt được các tiêu chuẩn chất lượng hoặc chưa được đánh giá hoặc cho phép lưu hành. Những loại thuốc này thường được gọi là thuốc giả, nhưng cơ quan này đã ngừng sử dụng thuật ngữ này vào tháng 5 để chuyển trọng tâm từ các vấn đề sở hữu trí tuệ sang sức khoẻ cộng đồng.

WHO cho biết, những trường hợp bị phát hiện có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, vì có nhiều trường hợp đã không được báo cáo. Cho đến nay, cơ quan đã đào tạo 550 người ở 141 quốc gia để theo dõi các loại thuốc này. Theo cơ quan này, “càng nhiều người tìm, càng có nhiều thuốc được phát hiện”.

bmhd quynh2

Vấn đề sức khoẻ cộng đồng

Các nghiên cứu ước tính có khoảng 10% thuốc đang lưu hành ở các nước nghèo – nơi mà năng lực kỹ thuật để thực thi các tiêu chuẩn chất lượng thường bị giới hạn – không đạt tiêu chuẩn hoặc bị làm sai. Các trường hợp này không chỉ giới hạn ở những loại thuốc đắt tiền hoặc được nhiều người biết đến, và được phân chia đều giữa các loại thuốc generic và thuốc bản quyền. Một phân tích trong các báo cáo ước tính có tới 169.000 trẻ em có thể tử vong hàng năm do viêm phổi vì kháng sinh kém chất lượng.

Mariângela Simão, Trợ lý Chủ tịch về Thuốc, Vắc xin và Dược phẩm của WHO, cho biết các loại thuốc kém chất lượng không những không điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tật mà còn có nguy cơ làm xấu đi tình trạng đề kháng kháng sinh. Sử dụng kháng sinh không đạt tiêu chuẩn không thể điều trị hoàn toàn một bệnh nhiễm trùng và có thể làm phát triển các bệnh nhiễm trùng đề kháng lan rộng.

Marc Gentilini, thành viên của Học viện Y khoa Pháp, đã nghiên cứu vấn đề này và cho rằng những phát hiện này đã đánh giá thấp hậu quả của thuốc giả. Nhưng quan trọng nhất, ông nói thêm, là vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Tài liệu tham khảo

  1. WHO Global Surveillance and Monitoring System for substandard and falsified medical products (2017).
  2. A study on the public health and socioeconomic impact of substandard and falsified medical products (2017).

Bài dịch từ Nature doi:10.1038/nature.2017.23051

Người dịch: Phan Thị Như Quỳnh

 

Trả lời