Nhân loại đang đối diện với một thách thức lịch sử kể từ khi chủng virus corona mới SARS-CoV-2 (COVID-19) xuất hiện và trở thành đại dịch trên quy mô toàn cầu. Với sự phát triển của nền khoa học hiện đại và phương tiện truyền thông, các nhà nghiên cứu trong khoa học y sinh cũng đã phản ứng gần như tức thời, dẫn đến một “vòng xoáy” của nghiên cứu trên toàn cầu với những hệ quả trái chiều.
Trước hết, khía cạnh tích cực có thể nhận thấy là số nghiên cứu “mở” (open access) tăng lên, tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu, tăng tốc về mặt quản lý và quá trình phê duyệt đạo đức trong nghiên cứu lâm sàng, và việc sử dụng rộng rãi công bố trước khi xuất bản (preprint). Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng đã thể hiện một cách rõ ràng. Trước khi đại dịch xảy ra, đã có thống kê cho thấy khoảng 85% số nghiên cứu (lâm sàng) là vô ích do các yếu tố sau không thực hiện tốt (1) Cách đặt câu hỏi nghiên cứu (poor questions) (2) Thiết kế nghiên cứu (poor study design) (3) Khâu quản lý và tiến hành (inefficiency of regulation and conduct) (4) Không báo cáo hoặc Viết báo cáo kết quả kém (non or poor reporting of results). Đối với nghiên cứu về COVID-19, những vấn đề trên còn xảy ra nhiều hơn dưới áp lực của thời gian và sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng hỗ trợ nghiên cứu.
Các nghiên cứu lâm sàng
Kể từ khi đại dịch xuất hiện, đã có một số lượng lớn các nghiên cứu lâm sàng (NCLS) được đăng ký. Theo nhóm tác giả Glasziou và cộng sự (đăng ngày 12/05/2020), thống kê qua cổng thông tin ClinicalTrials.gov của Thư viện y khoa Quốc gia (National Library of Medicine, Mỹ) có 1087 NCLS về COVID-19. Một số nghiên cứu giúp cung cấp các thông tin hữu ích, nhưng đa phần còn lại là những nghiên cứu nhỏ và thiết kế không tốt, thậm chí chỉ làm nhiễu thêm thông tin về COVID-19.
Chẳng hạn, trong số 145 NCLS được đăng ký đối với hydroxychloroquine, có 32 nghiên cứu có ý định sử dụng cỡ mẫu nhỏ hơn 100, 10 nghiên cứu không có nhóm đối chứng, 12 có so sánh nhưng không ngẫu nhiên. Cách xác định kết quả đầu ra thay đổi khá rộng, chỉ có 50 nghiên cứu có thể là đa trung tâm. Đáng lưu ý là chỉ một nghiên cứu cung cấp phác đồ nhưng lại thay đổi mục tiêu nghiên cứu một cách không hợp lý.
Sự mất cân đối về đề tài NCLS là rất đáng lo ngại, cụ thể là đang thiếu hụt các nghiên cứu về can thiệp không dùng thuốc (CTKDT). Dù CTKDT là không thể thiếu để giảm nhẹ tình hình dịch bệnh, thế nhưng chỉ có hai nghiên cứu về khẩu trang trên ClinicalTrial.gov và không có nghiên cứu nào về giãn cách xã hội, cũng như hiệu quả của việc cách ly, tuân thủ cách ly, rửa tay, hay các CTKDT khác. Các quỹ tài trợ cho nghiên cứu về COVID-19 đã phản ánh rõ sự mất cân đối này. Theo cơ sở dữ liệu về các dự án tài trợ cho nghiên cứu COVID-19 (COVID-19 Research Project Tracker), không thấy có nghiên cứu nào về hiệu quả của CTKDT đối với khả năng lây nhiễm của virus, so với hàng trăm dự án can thiệp có dùng thuốc trị giá tối thiểu 74 triệu đô la.
Công bố trước xuất bản
Công bố trước xuất bản (preprint) có ý nghĩa quan trọng vì giúp cung cấp thông tin sớm nhất về kết quả nghiên cứu. Từ tháng 06/2019, một website có tên medRxiv.org được thành lập và quản lý bởi Cold Spring Harbour Laboratory (trụ sở tại New York, Mỹ) hợp tác với nhà xuất bản BMJ (trụ sở tại Anh) và Đại học Yale (Mỹ). Website này chuyên đăng các nghiên cứu hoàn chỉnh nhưng chưa được xuất bản trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Thông tin trên trang medRxiv cho thấy số bài preprint tăng lên đến 400% chỉ trong giai đoạn từ 15 tuần cuối năm 2019 đến 15 tuần đầu năm 2020 (586 lên 2572 bài), chỉ số theo dõi (view) và tải về tăng lên 100 lần. Điều đáng nói là nhiều bản preprint có chất lượng kém. Nhóm tác giả Glasziou đã xem xét tổng quan về tỉ lệ các ca COVID-19 không triệu chứng và nhận thấy hầu hết quần thể đích đều không rõ ràng, các ca mất dấu không được nêu, và không định nghĩa thế nào là “không triệu chứng”. Nhóm tác giả còn nhận thấy giữa văn bản và nội dung bảng biểu không thống nhất với nhau trong các bản thảo. Các lỗi như vậy có thể được chỉnh sửa trước khi xuất bản chính thức (nhưng không hẳn lúc nào cũng như vậy), tuy nhiên một báo cáo chưa tốt sẽ làm phức tạp thêm việc đánh giá chất lượng nghiên cứu cũng như việc tổng hợp kết quả nghiên cứu.
Khả năng tiếp cận dễ dàng với preprint còn dẫn đến việc phát tán thông tin một cách vô trách nhiệm khi các nghiên cứu sai được truyền thông và báo chí sử dụng. Chẳng hạn, bản preprint của nghiên cứu đầu tiên về hydroxychloroquine đăng ngày 20/03/2020 là một nghiên cứu không ngẫu nhiên trên 46 bệnh nhân, sử dụng phương pháp phân tích không phù hợp, nhưng được trích dẫn đến 520 lần. Trong khi đó, một nghiên cứu khác đăng trên medRxiv ngày 14/04/2020 có quy mô lớn hơn, lấy mẫu ngẫu nhiên, kết quả cho biết không có lợi ích (khi sử dụng hydroxychloroquine), nhưng có vẻ như không được để ý đến. Sự chú ý một cách thiên lệch của truyền thông đại chúng đối với bài báo đầu đã gây ra một làn sóng nghiên cứu không cần thiết và định hướng sai với 135 nghiên cứu về hydroxychloroquine đăng ký trên ClinicalTrials.gov từ 20/03.
Sự lãng phí và trùng lặp
Trong khi các nghiên cứu lặp lại (replication) có vai trò quan trọng thì nghiên cứu trùng lặp (duplication) là một sự lãng phí. Theo định nghĩa của Viện Sức khỏe Quốc gia (National Institutes of Health, Mỹ), một nghiên cứu lặp lại có mục đích để xác nhận hoặc mở rộng một kết quả tìm được trước đó, còn nghiên cứu trùng lặp cho thấy ý định lặp lại nghiên cứu một cách vô ý, hoặc trong trường hợp hiếm gặp là có chủ đích, nhưng không nhằm xác định hoặc củng cố kết luận của nghiên cứu trước đó.
Nhiều NCLS được đăng ký nhằm đánh giá hiệu quả của hydroxychloroquine là ví dụ của nghiên cứu trùng lặp. Ngoài ra còn có thể thấy sự trùng lặp ở nhiều loại nghiên cứu khác, chẳng hạn có ít nhất 5 nghiên cứu tổng quan (systematic review) về đeo khẩu trang trong cộng đồng được thực hiện cùng lúc.
Cơ sở hạ tầng giúp tăng khả năng hợp tác và trao đổi thông tin là vô cùng hạn chế. Hầu như không tìm thấy được thông tin đăng ký nghiên cứu đối với hầu hết các loại nghiên cứu. Khi toàn cầu đang tích cực nghiên cứu dịch bệnh thì việc có một cổng thông tin tập trung, có thể truy xuất về các nghiên cứu đang diễn ra và tổng hợp thông tin là vô cùng quý giá.
Một vài hợp tác quan trọng đã được thúc đẩy nhờ COVID-19, chẳng hạn tổ chức Coalition for Epidemic Preparedness Innovations (CEPI) đang tài trợ và có cơ chế điều phối để phát triển vacxin, từ đó đang phát triển và thử nghiệm 8 loại vacxin đồng thời. Tương tự, cơ sở NCLS đa trung tâm tại Anh đã giúp NCLS có tên RECOVERY tiến hành chính thức với 4 phương pháp điều trị COVID-19, thu nhận hơn 9000 bệnh nhân từ 173 trung tâm trong vòng chưa đầy 2 tháng. Dù vậy, đó chỉ là những ví dụ không phổ biến và hiện vẫn đang thiếu hụt sự hợp tác trên nhiều khía cạnh của nghiên cứu về đại dịch này.
Một vacxin có nguy cơ không có hiệu quả, hoặc hiệu quả một phần, hoặc hiệu quả chậm, cho nên nhu cầu cấp thiết hiện nay là có một tổ chức tương tự như CEPI có thể điều phối và hỗ trợ những nghiên cứu bị xem nhẹ như CTKDT, chẳng hạn giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang, truy nguyên nguồn gốc, và điều chỉnh môi trường. Đó lại là những phương pháp kiểm soát có hiệu quả duy nhất cho đến nay.
Sự lãng phí trong nghiên cứu đang tồn tại, và không phải là điều gì mới, nhưng đang trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu nghiên cứu đang diễn ra một cách gấp rút. Nếu như các nghiên cứu về COVID-19 có chất lượng kém cần phải được chỉ rõ ngay thì những vấn đề khác lại cần được giải quyết một cách lâu dài và bền vững, trước khi một đại dịch khác xảy ra.
Tổng hợp và lược dịch
Võ Quốc Hùng
Tài liệu tham khảo
1. Glasziou, P. P., Sanders, S., & Hoffmann, T. (2020). Waste in covid-19 research. BMJ, 369. https://doi.org/10.1136/bmj.m1847
2. Else, H. (2019). How to bring preprints to the charged field of medicine. Nature. https://doi.org/10.1038/d41586-019-01806-2
3. Institute of Medicine, Research Programs of the National Institutes of Health (1991). Research and Service Programs in the PHS: Challenges in Organization. Retrieved from https://books.google.com.vn/books?id=hWdiGj7yILUC
* Các số liệu nêu trong bài là theo công bố tại thời điểm 12/05/2020
- 6 loại thảo dược có khả năng gây tổn thương gan
- Tirzepatide giúp cải thiện tình trạng suy tim phân suất tống máu bảo tồn trên bệnh nhân béo phì
- FDA chấp thuận Ebglyss (Lebrikizumab) điều trị viêm da dị ứng
- Bệnh Alzheimer: Các loại thuốc mới được chấp thuận trên lâm sàng có tạo ra sự khác biệt thực sự không?
- FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà
- Tổn thương gan do thuốc
- Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga
- Tác dụng kháng virus của gamma-mangostin
- Chế độ ăn Keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan
- Một số điểm mới trong quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 17/11/2023
- Si rô ngô giàu fructose thúc đẩy sự phát triển khối u đường ruột ở chuột
- FDA cấp phép phê duyệt nhanh AMTAGVI điều trị ung thư hắc tố da
- WAINUA – THUỐC MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA THẦN KINH TÍCH TỤ AMYLOID DO ĐỘT BIẾN GEN
- CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN CỦA IDSA VỀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN DO ACINETOBACTER BAUMANNII KHÁNG CARBAPENEM NĂM 2023
- Làm việc vào ban đêm, buồn ngủ và sử dụng thuốc Modafinil
- FDA chấp thuận Vegzelma trong điều trị ung thư