Dầu hoa anh thảo là một loại dầu được chiết xuất từ hạt của cây Oenothera biennis, mọc ở Bắc Mỹ và một số vùng của Châu Âu. Dầu có chứa nồng độ cao các omega-6, là các axit béo không no có đặc tính chống viêm mạnh, có thể giúp điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá.
Mặc dù một số kinh nghiệm dân gian cho thấy bổ sung dầu hoa anh thảo có thể cải thiện các triệu chứng mụn trứng cá, nhưng hiện nay không có đủ bằng chứng lâm sàng để chứng minh điều này. Bài viết này sẽ thảo luận về tác dụng của dầu hoa anh thảo lên mụn trứng cá, cách sử dụng, liều lượng và các tác dụng phụ có thể gặp phải.
Tác dụng của dầu hoa anh thảo lên mụn trứng cá
Mụn trứng cá là một trong những bệnh về da phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần 85% thanh thiếu niên cũng như nhiều người trưởng thành. Đây là bệnh viêm mãn tính ảnh hưởng đến các tuyến sản xuất dầu (bã nhờn) và các nang lông trên da.
Hiện nay có thể điều trị mụn trứng cá với các thuốc không kê đơn hoặc kê đơn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị mụn bằng thuốc đôi khi có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn như khô da, kích ứng da.
Theo kinh nghiệm một số người sử dụng cho rằng dầu hoa anh thảo và một số sản phẩm từ thiên nhiên khác có thể giúp làm giảm các triệu chứng mụn trứng cá mà không gây tác dụng không mong muốn như các phương pháp điều trị mụn trứng cá thông thường khác. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ việc sử dụng dầu hoa anh thảo để điều trị mụn trứng cá.
Các sản phẩm dầu hoa anh thảo có thể giúp giảm mụn bằng cách cân bằng tỷ lệ các axit béo thiết yếu omega-6 và omega-3 của cơ thể, đây là các chất béo mà cơ thể người không thể tự sản xuất được, cần lấy từ nguồn thực phẩm như dầu thực vật, thịt nội tạng và cá.
Dầu hoa anh thảo tự nhiên chứa một lượng lớn axit béo omega-6, trong đó khoảng 70 – 74% axit linoleic và 8 – 10% axit gamma-linolenic (GLA). Axit linoleic là một axit béo omega-6, giúp tăng cường sức khỏe làn da bằng cách củng cố hàng rào bảo vệ da, giữ nước trong lớp biểu bì, ngăn ngừa nhiễm trùng da và điều hòa sản xuất bã nhờn. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), sự thiếu hụt các axit béo thiết yếu có thể dẫn đến da khô, thô ráp hoặc có vảy.
So với làn da khỏe mạnh, da bị mụn có xu hướng sản xuất bã nhờn với lượng squalene bị oxy hóa cao hơn (góp phần đáng kể vào tình trạng mụn viêm) và lượng axit linoleic thấp hơn.
Cơ thể phân hủy axit linoleic thành GLA, một axit béo khác có đặc tính kháng viêm viêm và kháng khuẩn. Tuy nhiên, các enzym cần thiết cho quá trình tổng hợp GLA không có trong tế bào da. Gan sản xuất phần lớn GLA rồi vận chuyển đến da qua đường máu.
Theo các tác giả của một bài báo tổng quan năm 2018, dầu hoa anh thảo không chỉ chứa axit linoleic mà còn chứa GLA và delta-6-desaturase. Do đó, việc bổ sung dầu hoa anh thảo có thể giúp chống lại các tác động bất lợi của việc thiếu hụt axit béo thiết yếu.
Dầu hoa anh thảo và mụn viêm
Mặc dù không có nhiều bằng chứng lâm sàng ủng hộ việc sử dụng dầu hoa anh thảo để điều trị các dạng mụn cụ thể, nhưng nhiều người đã sử dụng và khẳng định rằng nó có thể giúp làm dịu mụn viêm.
GLA có đặc tính chống viêm, nhưng dầu hoa anh thảo chứa nồng độ axit linoleic cao hơn có thể thúc đẩy quá trình viêm. Hiện tại vẫn không rõ liệu dầu hoa anh thảo có bất kỳ ảnh hưởng nào đến nội tiết tố, mụn nang hoặc mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành hay không. Tuy nhiên, nó có thể giúp cải thiện chức năng hàng rào của da và ngăn ngừa mất nước.
Trong một nghiên cứu năm 2014, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tác động của việc uống dầu hoa anh thảo đối với tình trạng mất nước trên da ở những người dùng thuốc trị mụn isotretinoin (Accutane). Một nửa số người tham gia nghiên cứu đã uống sáu viên 450 mg, một ngày uống ba lần trong 8 tuần. Kết quả là những người dùng dầu hoa anh thảo ít bị mất nước hơn so với những người trong nhóm đối chứng.
Cách sử dụng dầu hoa anh thảo
Trên thị trường hiện nay, dầu hoa anh thảo có bán ở dạng thực phẩm bổ sung dạng uống hoặc dạng dung dịch bôi ngoài da. Tuy nhiên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không quản lý các dạng thực phẩm chức năng vì vậy mọi người nên thận trọng khi mua các sản phẩm này.
Có thể dùng dầu hoa anh thảo bôi tại chỗ để điều trị mụn hoặc sử dụng như một dạng serum dưỡng bôi toàn mặt. Bôi dầu hoa anh thảo có thể dẫn đến kích ứng da ở những người da nhạy cảm, vì vậy cần phải thực hiện test áp bì trước khi thoa dầu lên mặt. Test áp bì được thực hiện bằng cách thử thoa một lượng dầu nhỏ lên vùng da trên cánh tay hoặc sau tai để xem liệu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra hay không trước khi sử dụng vùng mặt. Những người không bị kích ứng với dầu hoa anh thảo có thể dùng dầu bôi lên từng nốt mụn hoặc trộn với kem dưỡng ẩm và bôi khắp mặt.
Cần phân biệt dầu hoa anh thảo và tinh dầu hoa anh thảo trên thị trường. Đối với dạng tinh dầu thì không dùng đường uống, phần lớn dùng đường bôi và khi bôi cần chú ý phải pha loãng trong dầu vận chuyển trước.
Liều lượng
Liều tiêu chuẩn của dầu hoa anh thảo đường uống cho người lớn từ 1- 8 gam mỗi ngày. Các nhãn hiệu khác nhau có thể có thông tin về liều lượng hơi khác nhau, vì vậy mọi người nên luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Nói chung, dầu hoa anh thảo an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn hạn, nhưng tính an toàn lâu dài của nó vẫn chưa rõ ràng. Hầu hết các nghiên cứu kiểm tra tác động của dầu hoa anh thảo và các chất chuyển hóa của nó đều được thực hiện trong thời gian ngắn từ vài tuần đến vài tháng. Cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng bổ sung dầu hoa anh thảo trong một thời gian dài.
Một số tác dụng có lợi của dầu hoa anh thảo
Các hợp chất có trong dầu hoa anh thảo có thể mang lại một vài lợi ích cho da như: cải thiện độ ẩm và độ đàn hồi, giảm nếp nhăn, làm dịu da bị ngứa, khô và bị kích ứng, điều hòa sản xuất bã nhờn, điều trị và ngăn ngừa mụn. Tuy nhiên, cần lưu ý là các tác dụng trên là không chắc chắn, chỉ có thể xảy ra và chưa có bất kỳ thử nghiệm lâm sàng chất lượng nào đánh giá dầu hoa anh thảo như một phương pháp điều trị mụn trứng cá.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) tuyên bố rằng không có đủ bằng chứng để ủng hộ việc sử dụng dầu hoa anh thảo cho bất kỳ tình trạng sức khỏe nào, bao gồm cả mụn trứng cá.
Phản ứng phụ
Mặc dù dầu hoa anh thảo nói chung là an toàn cho hầu hết mọi người trong thời gian ngắn, việc sử dụng nó có thể gây một số tác dụng phụ nhẹ như đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, kích ứng da.
Phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung dầu hoa anh thảo vì chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng của thai kỳ. Ngoài ra, dầu hoa anh thảo có thể tương tác với warfarin và các chất làm loãng máu khác nên những người đang dùng những loại thuốc này nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dầu hoa anh thảo.
Tóm lại, dầu hoa anh thảo là thực phẩm bổ sung tự nhiên tương đối an toàn có thể giúp giảm các triệu chứng mụn viêm. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ việc sử dụng dầu hoa anh thảo để điều trị mụn trứng cá.
Dịch và biên tập: Thái Khoa Bảo Châu
Tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/evening-primrose-oil-does-it-help-acne
- Tirzepatide giúp cải thiện tình trạng suy tim phân suất tống máu bảo tồn trên bệnh nhân béo phì
- FDA chấp thuận Ebglyss (Lebrikizumab) điều trị viêm da dị ứng
- Bệnh Alzheimer: Các loại thuốc mới được chấp thuận trên lâm sàng có tạo ra sự khác biệt thực sự không?
- FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà
- Tổn thương gan do thuốc
- Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga
- Tác dụng kháng virus của gamma-mangostin
- Chế độ ăn Keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan
- Một số điểm mới trong quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 17/11/2023
- Si rô ngô giàu fructose thúc đẩy sự phát triển khối u đường ruột ở chuột
- FDA cấp phép phê duyệt nhanh AMTAGVI điều trị ung thư hắc tố da
- WAINUA – THUỐC MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA THẦN KINH TÍCH TỤ AMYLOID DO ĐỘT BIẾN GEN
- CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN CỦA IDSA VỀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN DO ACINETOBACTER BAUMANNII KHÁNG CARBAPENEM NĂM 2023
- Làm việc vào ban đêm, buồn ngủ và sử dụng thuốc Modafinil
- FDA chấp thuận Vegzelma trong điều trị ung thư
- Nghiên cứu thuần tập đánh giá mối liên quan giữa đường nhân tạo (đường hóa học) và nguy cơ mắc bệnh tim mạch