Kháng thuốc: Ảnh hưởng của việc sử dụng kháng sinh ở động vật đối với sức khỏe con người

     Đề kháng kháng sinh đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), đề kháng kháng sinh chịu trách nhiệm cho 25.000 ca tử vong hàng năm ở EU và 23.000 ca tử vong hàng năm ở Hoa Kỳ. Có đến 2 triệu người Mỹ mắc phải nhiễm trùng kháng thuốc mỗi năm. Đến năm 2050, một số nhà nghiên cứu dự đoán rằng đề kháng kháng sinh sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm, vượt qua ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. [1]

     Một số yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng này bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi; vệ sinh kém, nhất là vệ sinh trong bệnh viện; không đủ các xét nghiệm cần thiết trong phòng thí nghiệm để có thể phát hiện nhiễm trùng nhanh chóng và chính xác.

     Một yếu tố bổ sung có thể góp phần kháng thuốc ở người là lạm dụng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp. Sử dụng kháng sinh ở động vật có thể làm tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn kháng thuốc sang người do nhiễm trực tiếp hoặc bằng cách chuyển gen kháng thuốc từ nông nghiệp sang tác nhân gây bệnh của con người. [2]

 2. Huan thang 11-2018.jpg

Các trang trại đông đúc góp phần truyền bệnh ở các loài động vật, thúc đẩy việc sử dụng kháng sinh

Thực trạng sử dụng kháng sinh toàn cầu ở động vật

     Trên quy mô toàn cầu, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những quốc gia sử dụng thuốc kháng sinh lớn nhất cho sản xuất lương thực thực phẩm. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), 80% tổng lượng kháng sinh sử dụng ở Hoa Kỳ là trong nông nghiệp, lượng kháng sinh trong thịt lợn và gia cầm cao hơn từ 5 đến 10 lần so với trong thịt bò và cừu. [3]

     Nuôi động vật lấy thịt là một quá trình liên tục, ví dụ như lợn nái không có đủ thời gian để phục hồi giữa các lần sinh. Điều này làm tổn hại đến hệ miễn dịch của chúng. Ngoài ra, lợn và gà sống trong không gian hạn chế, đông đúc, làm tăng căng thẳng và nguy cơ lây truyền bệnh.

 1. Huan thang 11 2018

Gà hiếm khi được tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong hệ thống chăn nuôi hiện đại

     Thuốc kháng sinh đôi khi được sử dụng để làm cho động vật phát triển nhanh hơn. Ở người, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc kháng sinh làm tăng nguy cơ tăng cân và béo phì, khi chúng quét sạch vi khuẩn đường ruột có lợi giúp điều chỉnh cân nặng. [4] Tuy nhiên, ở động vật, hiện tượng này có thể được xem là bình thường bởi vì một số quốc gia vẫn sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng. Hoạt động này hiện nay đã bị cấm tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU.

     Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh dự phòng cũng làm tăng thêm tình trạng kháng thuốc. Nhiều trang trại sử dụng thuốc kháng sinh cho gà con ngay khi chúng được sinh ra, bất kể chúng có bị ốm hay không.

Thuốc kháng sinh và vi sinh vật

     Các hoạt động cai sữa diễn ra ở các trang trại ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật của động vật và tạo ra nhu cầu giả về kháng sinh. Ví dụ lợn con bị tách khỏi mẹ quá sớm trước khi chúng có cơ hội phát triển hệ miễn dịch mạnh hoặc đường tiêu hóa khỏe mạnh, trưởng thành hoàn toàn. Thông thường, lợn con sẽ tự nhiên cai sữa khi chúng được khoảng 3-4 tháng tuổi. Tuy nhiên, ở Mỹ, lợn con được cai sữa khi chúng mới được 17–28 ngày tuổi. Sự cai sữa đột ngột này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa ở bê và cừu con. Lúc này lợn con, bê và cừu có thể bị tiêu chảy sau cai sữa và các nhiễm trùng liên quan, vì vậy nông dân cho chúng sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa các nhiễm trùng như vậy. Hơn nữa, các nghiên cứu về hệ gen cho thấy có sự gia tăng đáng kể vi khuẩn E. coli trong ruột non của lợn sau khi chúng được sử dụng kháng sinh. E. coli chịu trách nhiệm cho một nửa số ca tử vong lợn con trên toàn thế giới. [5]

 3. Huan thang 11 2018

Việc sử dụng kháng sinh ở động vật có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn đường ruột của người.

Ý nghĩa đối với sức khỏe con người

     Điều quan trọng nhất là cần nhận thức rằng bất kỳ kháng sinh nào được sử dụng, dù ở động vật hay con người, đều có nguy cơ tạo áp lực lựa chọn vi khuẩn kháng thuốc. Chúng ta cần phải bảo vệ kháng sinh để sử dụng ở cả động vật và con người, để đảm bảo chúng có thể được sử dụng để điều trị nhiễm trùng trong tương lai.

     Có một số cách chính mà kháng sinh ở động vật có thể ảnh hưởng đến con người:

– Thứ nhất, tiếp xúc trực tiếp giữa động vật và con người. Ví dụ, nông dân có nguy cơ bị xâm nhiễm bởi MRSA liên quan đến chăn nuôi (LA-MRSA). LA-MRSA không nguy hiểm như MRSA gây bệnh ở người vì nó được điều chỉnh cho động vật và không lây lan dễ dàng từ người này sang người khác. Tuy nhiên, có nguy cơ vi khuẩn có thể thay đổi và thích nghi với con người. Một nghiên cứu của Đan Mạch cho thấy 40% thịt lợn bán được bán trên thị trường có chứa Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA). [6]

– Thứ hai, việc tiêu thụ dư lượng kháng sinh trong thịt, sau đó tạo ra một áp lực chọn lọc các kháng sinh đề kháng ở người. Tuy nhiên, nguy cơ của vấn đề này được coi là rất thấp ở EU và Mỹ.

     Tóm lại, sử dụng kháng sinh là cần thiết để bảo vệ sức khỏe động vật, nhưng chỉ nên được sử dụng khi động vật bị bệnh và không được sử dụng làm yếu tố kích thích tăng trưởng hoặc để ngăn ngừa động vật bị bệnh khi chúng vừa sinh ra. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp chỉ là yếu tố góp phần trong việc phát triển các chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này vẫn là do sự lạm dụng kháng sinh sử dụng cho người. Vi khuẩn càng ngày càng phát triển với tốc độ đề kháng tăng lên rất nhanh, chúng ta cần phải hạn chế việc sử dụng bữa bãi này để góp phần bảo vệ các loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn hiện tại và trong tương lai.

Tổng hợp và lược dịch

Trần Thế Huân

Tài liệu tham khảo:

  1. De Kraker MEA, Stewardson AJ, Harbarth S (2016) Will 10 Million People Die a Year due to Antimicrobial Resistance by 2050? PLoS Med 13(11): e1002184. https://doi.org/10.1371/journal.pmed.1002184.
  2.  Chang Q, Wang W, Regev-Yochay G, Lipsitch M, Hanage WP. Antibiotics in agriculture and the risk to human health: how worried should we be?. Evol Appl. 2014;8(3):240-7.
  3. Thomas P. Van Boeckel, Charles Brower, Marius Gilbert, Bryan T. Grenfell, Simon A. Levin, Timothy P. Robinson, Aude Teillant, and Ramanan Laxminarayan. Global trends in antimicrobial use in food animals. PNAS May 5, 2015 112 (18) 5649-5654.
  4. Dutton H, Doyle MA, Buchan CA, et al. Antibiotic exposure and risk of weight gain and obesity: protocol for a systematic review. Syst Rev. 2017;6(1):169. Published 2017 Aug 24. doi:10.1186/s13643-017-0565-9
  5. Looft T, Allen HK, Cantarel BL, et al. Bacteria, phages and pigs: the effects of in-feed antibiotics on the microbiome at different gut locations. ISME J. 2014;8(8):1566-76.
  6. https://www.foodnavigator.com/Article/2017/04/04/Denmark-finds-MRSA-in-pork.

 

     

    Trả lời