Cùng với đại dịch COVID-19, chẩn đoán và điều trị các bệnh thuộc hội chứng hậu COVID-19 là một vấn đề đang được quan tâm trong xã hội. Bệnh sau khi mắc COVID-19 là một loạt các vấn đề về sức khỏe mới, đang tái phát hoặc đang diễn ra mà mọi người có thể gặp phải trong khoảng bốn tuần trở lên sau lần đầu tiên bị lây nhiễm virus COVID-19. Thậm chí những người không có các triệu chứng COVID-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm vẫn có thể mắc hội chứng hậu COVID-19.
Phổi bị xơ hóa được xem là một trong các cơ chế bệnh sinh gây nên hội chứng hậu COVID-19. Xơ phổi là bệnh xảy ra ở mô kẽ phổi, đặc trưng bởi sự tăng sinh của các nguyên bào sợi, sự lắng đọng quá mức của collagen và chất nền ngoại bào, sự phá hủy cấu trúc phổi bình thường. Trong tiến triển của xơ phổi vô căn được xem có liên quan đến các yếu tố tăng trưởng như yếu tố tăng trưởng biến đổi (TGF-β), yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu (PDGF) và yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF); vì các yếu tố tăng trưởng này thúc đẩy quá trình tạo ra tiền bào tử (profibrogenic) ở phổi sau thương tổn. Trong tiến triển của xơ phổi hậu COVID-19, các cơn bão cytokine đặc trưng bởi sự kích hoạt quá mức các bạch cầu và sự bài tiết không kiểm soát của các cytokine gây viêm được xem là nguyên nhân chính. Các cytokine này làm giảm khả năng phục hồi khỏi chấn thương phổi và kích thích hoạt động của nguyên bào sợi để sản xuất collagen, do đó thúc đẩy tiến triển của xơ phổi.
Trong một số nghiên cứu trên động vật cho thấy sự biểu hiện quá mức của kênh Kv1.3 trong tế bào lympho T và các đại thực bào có mối liên kết chặt chẽ với quá trình kích hoạt và tiến triển của xơ hóa thận. Trong những nghiên cứu này, margatoxin- một kênh ức chế chọn lọc Kv1.3, thực sự đã ngăn chặn hoạt động của bạch cầu và làm chậm sự tiến triển của quá trình xơ hóa thận. Mặt khác, trong một loạt các nghiên cứu bằng phương pháp kẹp ráp nối (một nghiên cứu điện sinh học màng tế bào), đã chỉ ra được khả năng ngăn chặn kênh Kv1.3 của tế bào lympho của thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống tăng huyết áp, thuốc chống cholesterol và thuốc chống dị ứng. Từ những đặc tính đó, các loại thuốc này được hướng đến nghiên cứu hữu ích trong việc điều trị xơ phổi hậu COVID-19 ngoài những hữu ích trong việc ngăn chặn cơn bão cytokine.
Bên cạnh tế bào lympho T và đại thực bào, gần đây các nghiên cứu cũng chỉ ra sự đóng góp lớn của các tế bào mast vào cơ chế bệnh sinh của cơn bão cytokine được kích hoạt bởi SARS-CoV-2. Sau khi được kích hoạt bởi virus, tế bào mast cư trú trong màng nhầy đường hô hấp sản xuất các cytokine gây viêm như interleukin (IL)-1, IL-4, IL-5, IL-6 và yếu tố hoại tử khối u TNF-α, bên cạnh việc giải phóng các chemokine (là những cytokine được giải phóng trong giai đoạn sớm của nhiễm trùng) ra ngoài tế bào. Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng tế bào mast trực tiếp tạo điều kiện cho sự tiến triển xơ hóa phổi do sự giải phóng các yếu tố kích hoạt nguyên bào sợi ngoài tế bào.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng các tế bào mast cũng chịu trách nhiệm về sự phát triển và tiến triển của xơ hóa cơ quan, chẳng hạn như xơ gan, xơ cứng hệ thống và xơ hóa thận. Từ đó, các nghiên cứu này cho thấy hiệu quả của việc ngăn chặn hoạt động của tế bào mast trong điều trị hoặc bảo vệ chống lại xơ hóa cơ quan. Các nghiên cứu dược lý đã được thực hiện với cơ chế là trực tiếp ổn định tế bào mast hoặc gián tiếp ức chế các chemokine được giải phóng từ các tế bào mast. Trong nghiên cứu trên động vật, tranilast – một trong những chất ổn định tế bào mast mạnh mẽ, thực sự cải thiện sự tiến triển của xơ hóa phúc mạc phức tạp trong suy thận mạn tính. Mặt khác, trong một loạt các nghiên cứu bằng phương pháp kẹp ráp nối, bằng cách theo dõi những thay đổi trong điện dung toàn bộ màng tế bào trong tế bào mast, đã cung cấp bằng chứng in-vitro rằng thuốc chống dị ứng (olopatadine, ketotifen), thuốc kháng sinh (clarithromycin) và corticosteroid (hydrocortisone, dexamethasone) ức chế mạnh quá trình xuất bào; cho thấy hiệu lực của chúng như chất ổn định tế bào mast hiệu quả cao. Prazosin, một chất chẹn thụ thể α1-adrenergic, hiệp đồng nâng cao thuộc tính ổn định tế bào mast của Adrenaline. Với những đặc tính dược lý như vậy, một số các loại thuốc thông thường được đề cập nêu trên có thể hữu ích trong điều trị phổi xơ hóa và giảm các triệu chứng hậu COVID-19.
Lược dịch
Đoàn Thị Ái Nghĩa
TLTK: Itsuro Kazama (2020), “Stabilizing mast cells by commonly used drugs: a novel therapeutic target to relieve post-COVID syndrome?”, Drug Discoveries & Therapeutics, 14(5):259-261. DOI: 10.5582/ddt.2020.03095.
- 6 loại thảo dược có khả năng gây tổn thương gan
- Tirzepatide giúp cải thiện tình trạng suy tim phân suất tống máu bảo tồn trên bệnh nhân béo phì
- FDA chấp thuận Ebglyss (Lebrikizumab) điều trị viêm da dị ứng
- Bệnh Alzheimer: Các loại thuốc mới được chấp thuận trên lâm sàng có tạo ra sự khác biệt thực sự không?
- FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà
- Tổn thương gan do thuốc
- Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga
- Tác dụng kháng virus của gamma-mangostin
- Chế độ ăn Keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan
- Một số điểm mới trong quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 17/11/2023
- Si rô ngô giàu fructose thúc đẩy sự phát triển khối u đường ruột ở chuột
- FDA cấp phép phê duyệt nhanh AMTAGVI điều trị ung thư hắc tố da
- WAINUA – THUỐC MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA THẦN KINH TÍCH TỤ AMYLOID DO ĐỘT BIẾN GEN
- CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN CỦA IDSA VỀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN DO ACINETOBACTER BAUMANNII KHÁNG CARBAPENEM NĂM 2023
- Làm việc vào ban đêm, buồn ngủ và sử dụng thuốc Modafinil
- FDA chấp thuận Vegzelma trong điều trị ung thư