Phương pháp trị liệu hành vi cảm xúc hợp lý

 

Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (Rational Emotive Behavior Therapy – REBT) là một phương pháp trị liệu tập trung vào việc quản lý những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi phi lý hoặc không lành mạnh. Trái ngược với liệu pháp nói chuyện thụ động, REBT tập trung vào hành động. Cùng với nhà trị liệu, phương pháp REBT giúp bệnh nhân xác định và loại bỏ các kiểu suy nghĩ và hành vi không lành mạnh.

  1. Lịch sử của phương pháp trị liệu hành vi cảm xúc hợp lý

REBT lần đầu tiên được phát triển bởi nhà tâm lý học Albert Ellis vào những năm 1950 như một liệu pháp thay thế cho tâm lý trị liệu. Ngày nay, thuật ngữ “tâm lý trị liệu” bao gồm nhiều loại trị liệu khác nhau thông qua hình thức nói chuyện, bao gồm cả REBT. Tuy nhiên, vào thời điểm Ellis bắt đầu phát triển REBT, liệu pháp tâm lý chủ yếu bao gồm việc bệnh nhân chỉ nói chuyện với nhà trị liệu về những gì đang làm phiền họ mà không thực sự tập trung vào việc thay đổi quá trình suy nghĩ hoặc mô hình hành vi.

Ellis đã thực hiện một cách tiếp cận khác, mang tính triết học hơn khi phát triển REBT. REBT dựa trên ý tưởng rằng một số quá trình suy nghĩ nhất định, đặc biệt là những suy nghĩ mang tính mệnh lệnh nói rằng chúng ta “phải” hoặc “nên” làm điều gì đó, là không hợp lý. Khi chúng ta không đáp ứng được kỳ vọng, những suy nghĩ phi lý này có thể nhanh chóng biến thành những hành vi không lành mạnh hoặc thậm chí là những suy nghĩ phi lý thứ cấp.

  1. Cách thức hoạt động của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý là thế nào?

Niềm tin phi lý về những trải nghiệm cuộc sống có thể làm gia tăng cảm xúc đau khổ.

Những niềm tin phi lý có thể xuất hiện để phản ứng với những điều chúng ta trải qua, hoặc những sự kiện khó khăn hoặc căng thẳng trong cuộc sống mà chắc chắn sẽ xảy ra. Những niềm tin này có thể biểu hiện dưới dạng những hậu quả tiêu cực như hành vi không lành mạnh hoặc tự hủy hoại bản thân hoặc tiếp tục dẫn đến những suy nghĩ và niềm tin phi lý hơn. Tất cả những điều này đều có thể gây ra những đau khổ nhiều hơn về mặt cảm xúc.

Ví dụ, đến trễ một cuộc họp quan trọng mà đáng lẽ bạn phải có mặt có thể là một sự kiện căng thẳng.

  • Niềm tin phi lý trong trường hợp này có thể là việc đến họp muộn khiến bạn trở thành một nhân viên tệ hại.
  • Hậu quả hành vi tiêu cực có thể là quyết định bỏ cuộc họp hoàn toàn thay vì đến trễ vài phút.
  • Hậu quả thứ cấp tiêu cực có thể là bạn hiện đang lo lắng hơn khi chỉ tập trung nghĩ về sự căng thẳng của mình xung quanh vấn đề về cuộc họp.

 REBT tập trung vào việc thách thức và tranh chấp với những niềm tin phi lý.

Một trong những mục tiêu của REBT là thách thức các quá trình suy nghĩ phi lý và các hậu quả của chúng. Nguyên lý cốt lõi của REBT có thể được tóm tắt bằng mô hình ABC:

  • A (Activating): Kích hoạt các sự kiện khó khăn hoặc không mong muốn xảy ra.
  • B (Beliefs): Niềm tin xung quanh những sự kiện này có thể hợp lý hoặc phi lý.
  • C (Consequences): Hậu quả, có thể là tích cực hoặc tiêu cực, phát sinh từ niềm tin hợp lý và phi lý của chúng ta.

REBT hoạt động bằng cách thách thức các quá trình suy nghĩ phi lý mà có thể tạo ra hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như hành vi không lành mạnh hoặc thậm chí gia tăng suy nghĩ tiêu cực. Quá trình thách thức niềm tin không lành mạnh được tổng kết bởi mô hình DEF:

  • D (Disputing): Tranh chấp hoặc tái cấu trúc niềm tin và suy nghĩ phi lý
  • E (Effective/ efficient): Tạo niềm tin và suy nghĩ hiệu quả hơn
  • F (Feeling): Cảm thấy tốt hơn bằng cách kết hợp những niềm tin và suy nghĩ hợp lý mới này để đáp ứng với các sự kiện kích hoạt

Khung ABCDEF của liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý giúp bệnh nhân đóng vai trò tích cực đối với vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Các kỹ thuật được sử dụng trong REBT, bao gồm nhận ra các quá trình suy nghĩ phi lý hoặc có hại, thách thức những niềm tin đó và tập trung vào các quá trình suy nghĩ hợp lý, giúp dễ dàng xử lý các sự kiện kích hoạt khi chúng chắc chắn phát sinh.

Quay trở lại ví dụ về việc đến muộn trong một cuộc họp, niềm tin và hậu quả xung quanh nó có thể khác đi rất nhiều sau liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý.

  • Niềm tin hợp lý có thể là việc trễ một cuộc họp không khiến ai đó trở thành một nhân viên tồi tệ và điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai.
  • Kết quả hành vi tích cực có thể là đến và có mặt trong cuộc họp, mặc dù đến muộn.
  • Duy trì niềm tin hợp lý về việc đến muộn trong cuộc họp sẽ làm giảm các hậu quả thứ cấp tiêu cực, chẳng hạn như trở nên lo lắng hơn do những băn khoăn hiện tại về cuộc họp.
  1. Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT) khác với liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) như thế nào?

Điểm tương đồng giữa REBT và CBT.

Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý và liệu pháp hành vi nhận thức có nền tảng tương tự nhau. Liệu pháp nhận thức, tiền thân của CBT, được thành lập bởi nhà tâm lý học Aaron Beck vào những năm 1970 và kết hợp rất nhiều ý tưởng được tìm thấy trong REBT.

REBT và CBT đều cho rằng suy nghĩ, hành vi và cảm xúc được kết nối với nhau và phải được xử lý một cách tổng thể. Cả hai loại trị liệu đều khuyến khích bệnh nhân tích cực thách thức các quá trình suy nghĩ phi lý hoặc có hại và thay vào đó là kết hợp các niềm tin phù hợp hơn.

Sự khác biệt giữa REBT và CBT.

REBT và CBT tương tự nhau và đều được coi là các loại liệu pháp nhận thức. Tuy nhiên, có một số khác biệt giữa chúng.

  • REBT được phát triển trên nền tảng triết học. CBT được phát triển theo kinh nghiệm thông qua các nghiên cứu trên bệnh nhân trầm cảm.
  • Theo REBT, một số niềm tin luôn phi lý. CBT làm việc với bệnh nhân để tìm hiểu xem niềm tin của họ có chức năng hay không phù hợp với cá nhân họ.
  • REBT thúc đẩy sự chấp nhận bản thân vô điều kiện, chấp nhận rằng chúng ta không thể kiểm soát những gì người khác làm hoặc nghĩ, và chấp nhận rằng chúng ta sẽ phải đối diện với những biến cố bất lợi trong cuộc sống. Ngược lại, CBT tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao lòng tự trọng và sử dụng các cơ chế đối phó lành mạnh.
  1. Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý REBT liệu có phù hợp?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp REBT rất hữu ích cho nhiều người. Nó đã được sử dụng hiệu quả với nhiều bệnh nhân, nhóm và tổ chức. REBT có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng rối loạn do sử dụng rượu, giảm bớt sự lo lắng về kết quả học tập ở trường và giúp đỡ bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần như trầm cảm và lo lắng.

Điều quan trọng là phải nói chuyện với chuyên gia trị liệu, đặc biệt là người có kinh nghiệm sử dụng REBT, để xác định liệu liệu pháp REBT có phù hợp với bạn hay không. Với bác sĩ trị liệu của mình, bạn có thể lập kế hoạch hành động và tìm hiểu thêm về cách thức mà REBT có thể giúp bạn thách thức những suy nghĩ phi lý và hướng tới sự chấp nhận vô điều kiện đối với bản thân và thế giới xung quanh.

 

Nguồn: https://www.webmd.com/mental-health/what-is-rational-emotive-behavior-therapy

Lược dịch: ThS. Nguyễn Phước Bích Ngọc

 

Trả lời