Sử dụng Probiotics có thể làm giảm nhiễm khuẩn Clostridioides Difficile

 

Clostridioides difficile là một vi khuẩn Gram dương, kỵ khí, hình thành bào tử gây nên sự nhiễm khuẩn (CDI), gồm viêm đại tràng giả mạc và phình đại tràng. Các biến chứng bao gồm tiêu chảy nặng, mất nước, nhiễm trùng huyết, và thậm chí tử vong. Phòng ngừa ban đầu của CDI đang được quan tâm do nguy cơ tái phát bệnh và các hậu quả liên quan sức khỏe, như tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, thời gian nằm viện và các chi phí chăm sóc sức khỏe. Yếu tố nguy cơ chính của việc phát triển CDI là phơi nhiễm với kháng sinh trong đó liên quan cao nhất đã được xác định khi sử dụng clindamycin, fluoroquinolon và ceftriaxone. Bên cạnh đó, fluoroquinolon là một trong những loại kháng sinh được kê đơn thường xuyên và không phù hợp nhất ở Hoa Kỳ.

Bổ sung probiotics đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu là làm giảm nguy cơ tiêu chảy liên quan đến kháng sinh và các tác động khác nhau đối với CDI nguyên phát.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ vào năm 2020 tìm hiểu việc sử dụng probiotics và ảnh hưởng sau đó đối với sự phát triển của CDI ở những người sử dụng kháng sinh nhóm fluoroquinolones. Nghiên cứu được thiết kế với hai nhóm 100 người bệnh mỗi nhóm và được lựa chọn ngẫu nhiên tại bệnh viện St. Joseph’s.

Các chủng men được sử dụng trong nghiên cứu là Saccharomyces boudardiiLactobacillus spp. Những người tham gia nghiên cứu đều trên 18 tuổi và có ít nhất 3 ngày đơn trị liệu tiêm tĩnh mạch, levofloxacin hoặc ciprofloxacin dạng uống trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhập viện.

Kết quả cho thấy ở những người đã sử dụng probiotics có số mẫu phân được chẩn đoán có khuẩn Clostridioides difficile ít hơn những người không dùng chế phẩm này với mức 4% so với 16%.

Trong số những người đã gặp phải các biến chứng thì nôn mửa ở nhóm không sử dụng probiotics cao hơn đáng kể (9%) so với những người được sử dụng probiotics (2%).

Theo các nhà điều tra, kết quả nghiên cứu là cơ sở cần thiết để có các nghiên cứu sâu hơn về việc sử dụng probiotics trong việc ngăn ngừa CDI ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Việc sử dụng probiotics đã được chứng minh là có tác dụng có lợi đối với việc ức chế sự bám dính của vi khuẩn Clostridioides difficile trong ruột, cũng như các lợi ích cho sức khỏe.

 

Tài liệu tham khảo

https://www.pharmacytimes.com/view/probiotic-use-may-decrease-c-diff-infection

https://www.mdpi.com/2226-4787/9/3/141/htm

Lược dịch ngày 22/9/2021

Ngô Thị Thu Hằng

 

Trả lời