Tổng quan về dược liệu Thiên môn đông

 

Thiên môn đông có tên khoa học là Asparagus cochinchinensis, phân bố rộng rãi ở các vùng ôn đới và nhiệt đới, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Dược liệu Thiên môn đông (Hình 1) được sử dụng trong Y học cổ truyền để điều trị ho, long đờm, sốt, viêm phổi, viêm khí quản, viêm mũi, đục thủy tinh thể, táo bón, đau bụng, mụn trứng cá, mề đay…

2023.07.Nguyen Dinh Quynh Phu 01

Hình 1. Một số hình ảnh về cây Thiên môn đông

A. Phần trên mặt đất, B. Hoa, C. Quả, D. Phần dưới mặt đất, E. Vị thuốc

Trong vài thập kỷ qua, hóa thực vật của Thiên môn đông đã được nghiên cứu và cho đến nay đã có hơn 90 hợp chất được phân lập, tập trung chủ yếu vào các nhóm chất: saponin steroid, steroid (21 carbon), acid amin, lignan và polysaccharide.

– Saponin steroid: là thành phần hóa học chính trong Thiên môn đông với 71 hợp chất đã được báo cáo (Hình 2). Dựa trên sự khác biệt về thành phần aglycone, các hợp chất này được phân loại thành các phân nhóm: saponin spirostanol, saponin isosprirostanol, saponin pseudospirostanol và saponin furostanol. Các gốc đường trong saponin steroid thông thường được gắn vào các nhóm hydroxyl ở C3.

– Steroid (21 carbon): là các dẫn xuất steroid có 21 nguyên tử cacbon và là một trong những hợp chất quan trọng trong Thiên môn đông, chủ yếu là các dẫn xuất hydroxyl với pregnane hoặc các chất đồng phân của nó.

– Acid amin: có 04 acid amin được phân lập từ Thiên môn đông bao gồm: alanine, glycine, methionine và tryptophan.

– Lignan: có 02 lignan được phân lập từ Thiên môn đông bao gồm: iso-agatharesinol và iso-agatharesinoside.

– Polysaccharide: chủ yếu cấu tạo từ các đơn vị đường như mannose, rhamnose, glucose, galactose, arabinose, xylose, fructose…

2023.07.Nguyen Dinh Quynh Phu 02

 Hình 2. Cấu trúc của một số saponin steroid được phân lập từ Thiên môn đông

            Thiên môn đông có nhiều tác dụng dược lý khác nhau, bao gồm chống hen suyễn, chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, chống trầm cảm, bảo vệ thần kinh, cải thiện bệnh Alzheimer và tăng cường sức khỏe đường ruột. Sơ đồ đơn giản hóa các tác dụng dược lý của rễ Thiên môn đông được trình bày trong Hình 3.

2023.07.Nguyen Dinh Quynh Phu 03

 Hình 3. Các tác dụng dược lý của dược liệu Thiên môn đông

            Rễ Thiên môn đông không chỉ là dược liệu được sử dụng trong Y học cổ truyền mà còn có nhiều giá trị ứng dụng trong lĩnh vực dược phẩm (9 bằng sáng chế), sản phẩm chăm sóc sức khỏe (4 bằng sáng chế), thực phẩm (3 bằng sáng chế), mỹ phẩm (4 bằng sáng chế)… Các ứng dụng này được tóm tắt trong Hình 4.

2023.07.Nguyen Dinh Quynh Phu 04

Hình 4. Ứng dụng của dược liệu Thiên môn đông trong lĩnh vực dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và mỹ phẩm

Một vấn đề cần lưu ý là tiêu chuẩn chất lượng của dược liệu Thiên môn đông chưa được thiết lập đầy đủ. Vì Thiên môn đông có nhiều chủng loại và dễ bị nhầm lẫn với các loài khác nên công tác xây dựng một bộ hoàn chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng là cần thiết. Điều này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe và sự an toàn của người sử dụng. Ngoài ra, bộ phận dùng chính của Thiên môn đông là rễ được phơi sấy khô. Tuy nhiên, nguồn gốc rễ tương đối hiếm so với tài nguyên lá và quả. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn trên lá và quả của Thiên môn đông để khám phá thêm giá trị của cây. Điều này có thể làm giảm lãng phí tài nguyên thực vật và góp phần phát triển các loại thuốc mới cũng như phát hiện các hợp chất mới có trong những bộ phận khác của cây Thiên môn đông.

                                                                                                                        Lược dịch

         Nguyễn Đình Quỳnh Phú

 Tài liệu tham khảo

Meng Wang, Shuang Wang, Wenjing Hu, Zhibin Wang, Bingyou Yang and Haixue Kuang (2022), “Asparagus cochinchinensis: A review of its botany, traditional uses, phytochemistry, pharmacology, and applications”, Frontiers in Pharmacology, 22 pages. DOI: 10.3389/fphar.2022.1068858.

 

Xem thêm:

Trả lời