Hiện nay, nhiều loại thuốc và sản phẩm có nguồn gốc thảo dược trên toàn thế giới đã được phát hiện có chứa các hoạt chất tân dược tổng hợp trộn lẫn vào công thức sản phẩm. Điều này đã được minh chứng rõ ràng bởi số ca nhiễm độc và các phản ứng phụ đã được báo cáo. Sự pha trộn các thuốc tân dược tổng hợp vào các sản phẩm thảo dược tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng đối với các cơ quan quản lý. Bài tổng quan này cung cấp thông tin về các trường hợp độc tính và các loại hoạt chất tân dược phổ biến được cố ý trộn lẫn trong các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2015.
Có lẽ nguy cơ lớn nhất đối với người sử dụng thuốc và sản phẩm đông dược là sự trộn lẫn tân dược với các loại thuốc thông thường được sử dụng với tần suất rất phổ biến trong cộng đồng như thuốc ngủ (trộn clonazepam), thuốc giảm cân (trộn sibutramine và fenfluramine và dẫn xuất), thuốc điều trị đái tháo đường (trộn glibenclamide) và các sản phẩm tăng cân, giúp có thân hình chuẩn (chứa các hoạt chất nhóm steroid). Các báo cáo về sự cố ý trộn lẫn các hoạt chất tân dược vào các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược cho thấy các hoạt chất sau đây thường được trộn lẫn với tần suất cao nhất: các chất có tác dụng hạ đường huyết (glibenclamide, rosiglitazone, và metformin), các chất có tác dụng hạ huyết áp (amlodipine, indapamide, valsartan, clonidin và hydrochlorothiazide), glucocorticoid tổng hợp, NSAIDs, phenylbutazone, aminopyrine, indomethacin, hydrocortisone, dexamethasone, ibuprofen, diclofenac, salicylic acid, naproxen, và acetaminophen. Dưới đây sẽ phân loại các báo cáo y văn đã được ghi nhận trên thế giới theo nhóm thuốc, chế phẩm đông dược và nhóm hoạt chất tân dược trộn lẫn vào các chế phẩm này.
Nhóm thuốc, chế phẩm có tác dụng giảm cân, thực phẩm chức năng bổ sung chế độ ăn: trộn sibutramine, fenfluramine và dẫn xuất
Hiện nay, các sản phẩm và thực phẩm chức năng có tác dụng giảm cân hoặc thực phẩm chức năng bổ sung chế độ ăn uống nguồn gốc thảo dược đã và đang được sử dụng rất phổ biến. Như đã biết, hoạt chất fenfluramine hiện đã bị cấm bởi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và bị cấm tại Hồng Kông sau khi có báo cáo các vấn đề về phổi, cao huyết áp và bệnh van tim. Một chất cấu trúc tương tự fenfluramine, N-nitrosofenfluramine, được báo cáo là nguyên nhân của hơn 800 trường hợp nhiễm độc gan ở Nhật Bản cũng như ở Singapore và Anh Quốc. Phần lớn bệnh nhân hồi phục sau nhiễm độc gan, tuy nhiên có một số ít trường hợp tử vong hoặc tiến triển suy gan nặng được ghi nhận.
Sibutramine trước đây được chấp thuận bởi FDA và nói chung sibutramine được dung nạp tốt. Tác dụng phụ thường gặp của nó là đau đầu, táo bón, buồn nôn, chóng mặt, khô miệng và mất ngủ. Hoạt chất này cũng cho thấy có sự liên quan đến huyết áp cao và tăng nhịp tim. Gần đây, đã có một số báo cáo cho thấy hoạt chất này có liên quan đến rối loạn hưng cảm và sự thay đổi tâm trạng. Vấn đề với sibutramine cũng được báo cáo ở Nhật Bản và Đài Loan. Sibutramine là một loại hoạt chất được cố ý thêm vào các sản phẩm giảm béo như là một chất ức chế sự thèm ăn. Điều này xảy ra rất phổ biến ở các sản phẩm đông dược cho đến khi nó bị cấm ở cả Châu Âu và Hoa Kỳ vào năm 2010 vì nguy cơ tim mạch tiềm ẩn hoặc thậm chí đột quỵ. Sibutramine cũng có khả năng tương tác với các loại thuốc khác và gây hội chứng serotonin.
Trong 1 báo cáo của phòng thí nghiệm nghiên cứu về độc tính trong bệnh viện Hồng Kông, có 42 bệnh nhân xuất hiện các phản ứng phụ sau khi uống một trong ba loại thuốc giảm béo từ năm 2004 đến năm 2006. Trong số đó, 28 bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả dương tính trong các mẫu nước tiểu của họ có chứa dẫn xuất của fenfluramine, sibutramine, các hormone tuyến giáp. Hoạt chất trộn lẫn trong các sản phẩm giảm cân thông thường bao gồm sibutramine và các chất tương tự, fenfluramine và các chất tương tự, phenolphthalein, mô tuyến giáp, propranolol, hydrochlorothiazide, mazindol và caffeine.
Nhóm thuốc, sản phẩm tăng cường chức năng sinh dục: trộn sildenafil, tadalafil vardenafil và dẫn xuất, các hormone sinh dục
Cùng với việc các loại thuốc và sản phẩm nguồn gốc thảo dược được sử dụng ngày càng phổ biến trong những năm gần đây, các quốc gia đang ngày càng nhận thức được sự cần thiết phải có biện pháp sàng lọc, kiểm tra chất lượng những loại thuốc này. Chẳng hạn, trong Báo cáo của FDA từ năm 2007 đến năm 2012, đã phát hiện 332 thực phẩm bổ sung nguồn gốc thảo dược có trộn lẫn tân dược. Trong số này, hơn 95% là sản phẩm tăng cường chức năng sinh lý. Trong đó, nhiều sản phẩm được phát hiện đã trộn lẫn các hoạt chất như sildenafil, tadalafil và vardenafil. Có hơn 50 dẫn xuất của các hợp chất này cũng có những đặc tính dược lý tương tự như của chúng. Một nghiên cứu của Gilard và cộng sự phân tích 150 thực phẩm bổ sung nguồn gốc thảo dược có tác dụng tăng cường tình dục, được tuyên bố là “tinh khiết” và phát hiện ra rằng 61% trong số đó đã được trộn lẫn ít nhất với 1 hoạt chất tân dược. Thêm vào đó, 8 sản phẩm trong nghiên cứu này có chứa các chất gây rối loạn chức năng tình dục (flibanserin, yohimbine, phentolamine) hoặc hormone (testosterone). Người ta phát hiện thấy 59 trong số 92 sản phẩm có trộn tân dược đó chỉ có một loại hoạt chất trộn thêm, trong khi đó 33 sản phẩm còn lại chứa 2 hoặc nhiều hơn. Các chất được trộn lẫn thường xuyên nhất được tìm thấy là sildenafil và dẫn chất, chiếm 51% các trường hợp, tiếp theo là tadalafil.
Một cuộc kiểm tra do Cơ quan Y tế Singapore tổ chức từ năm 1990 đến năm 2001 phát hiện hoạt chất tân dược trộn lẫn trong 41 sản phẩm trong tổng số 3320 sản phẩm có nguồn gốc thảo dược của Trung Quốc được đánh giá. Trong số đó có 12 sản phẩm dùng để điều trị rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, đã trộn thêm sildenafil, tadalafil và vardenafil. Những phát hiện này cung cấp bằng chứng cần thiết về lý do tại sao các loại thuốc và thực phẩm bổ sung nguồn gốc thảo dược nên được sàng lọc, kiểm tra chất lượng để giữ cho khách hàng an toàn trước các tác dụng phụ không mong muốn.
Nhóm thuốc, sản phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng trí nhớ, hạ huyết áp, hạ đường huyết, kháng khuẩn, trị đau khớp, đau lưng, thần kinh, gout, trị ung thư…
- Một số báo cáo điển hình
– Poon và cộng sự đã phân tích viên thuốc giảm cân “Chang Qing Chun” và phát hiện ra sự hiện diện của một lượng đáng kể chất caffeine, antrachinon, riboflavin, nicotinamid, pyridoxin, N-nitrosofenfluramine, fenfluramine, sibutramine, phenolphthalein và propranolol. Một công thức thảo dược khác với tên gọi “Quing Zhi Mei” cũng được tìm thấy có chứa chất caffein, antrachinones, ephedrine, fenfluramine, propranolol, và phenolphthalein cũng như mô tuyến giáp động vật.
– Một trường hợp giả mạo khác được báo cáo là sản phẩm Tung Shueh ở Đài Loan gây hội chứng suy thận cấp. Tại Singapore, Tung Shueh là một loại thuốc dùng để giảm đau, đã bị trộn thêm caffeine, diazepam, indomethacin, và prednisolone, vì vậy có thể gây ra chứng trầm cảm, mất xương, gãy xương tự nhiên, chảy máu đường ruột, và thậm chí gây hôn mê.
– Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã công bố tài liệu vào năm 2015 để giải thích các sản phẩm ginkgo gần đây có trộn lẫn hoạt chất tân dược. Người ta phát hiện ra rằng các công ty dược phẩm đã thay thế acid clohidric 3% thay vì ethanol và nước. Các công ty dược phẩm này đã buộc phải ngừng sản phẩm của họ sau khi những phát hiện này được công bố.
- Các báo cáo trong cơ sở dữ liệu của FDA (trích từ số liệu tháng 5 năm 2015)
Một số nghiên cứu gần đây đã thuyết phục FDA cấm hoặc hạn chế việc bán một số thuốc hoặc sản phẩm nguồn gốc thảo dược có trộn lẫn hoạt chất tân dược. FDA đã xác định các hoạt chất trộn lẫn này sau khi kiểm tra chúng một cách rộng rãi. Tất cả các trường hợp sau được tìm thấy từ cơ sở dữ liệu của FDA và được ghi chép trong tháng 5 năm 2015:
– Sản phẩm nhân sâm “She Lian Wan”, được công bố có tác dụng làm giảm đau khớp, viêm khớp và gout, hiện đã bị FDA cấm vì nghiên cứu xác nhận rằng nó có chứa dexamethasone (một corticosteroid) và chlorpheniramine. Dexamethasone cũng được biết đến làm giảm khả năng miễn dịch, tăng lượng đường trong máu và gây ra các biến chứng về cơ và tâm thần.
– Sản phẩm “Jianbu Huqian Wan” cũng được công bố có khả năng điều trị đau khớp và sau khi kiểm tra đã phát hiện có chứa dexamethasone, chlorpheniramine, và furosemide. Chlorpheniramine là thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ. Furosemide là một hoạt chất lợi tiểu mạnh có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải, có thể dẫn đến động kinh, hư thận, các vấn đề về tiêu hóa và hôn mê.
– Sản phẩm “Saurean Fong Sep Lin” được quảng cáo có khả năng điều trị đau lưng và chấn thương. Sau khi kiểm tra phát hiện thấy người ta đã trộn thêm với dexamethasone và cyproheptadine.
– Sản phẩm “Asihuri Plus Forte” được sử dụng cho đau khớp và thần kinh. Nó được tìm thấy có chứa dexamethasone và phenylbutazone. Phenylbutazone là một NSAID hiện tại đã bị cấm ở Hoa Kỳ do khả năng gây độc tủy xương nghiêm trọng.
– Sản phẩm “GFSE” đã được bán trên thị trường như một sản phẩm tự nhiên trong hơn 30 năm. Thành phần chính của nó là dịch chiết xuất hạt nho, nhưng đã được quảng cáo như là một chất kháng khuẩn tự nhiên, có khả năng sử dụng điều trị bệnh chàm, mụn trứng cá, giun sán, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng âm đạo, viêm nướu và dị ứng. Một số nghiên cứu cho thấy sản phẩm này đã trộn thêm chất diệt khuẩn tổng hợp như benzalkonium clorua, benzethonium clorua, triclosan, và methylp-hydroxybenzoat. FDA đã đưa ra thư báo cảnh báo cho các công ty dược phẩm về vấn đề này.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Geller và cộng sự cho thấy đã có hơn 23000 trường hợp cấp cứu và 2154 trường hợp nhập viện hàng năm tại Hoa Kỳ với nguyên nhân do phản ứng phụ gây ra bởi sự trộn lẫn các hoạt chất tân dược vào các sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống nguồn gốc thảo dược. Các sản phẩm quan sát thấy chủ yếu là các sản phẩm bổ sung vitamin tổng hợp, sắt, sản phẩm có tác dụng giảm cân và an thần. Các triệu chứng phổ biến nhất ghi nhận được là đau ngực và nhịp tim nhanh. Một số trường hợp gây sặc và nuốt khó đa phần gặp ở những người cao tuổi.
Kết luận và triển vọng trong tương lai
Nhìn bằng mắt thường, người mua rất khó phát hiện các loại thuốc và sản phẩm đông dược có trộn thêm hoạt chất tân dược. Tình trạng này không phải mới xuất hiện mà đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bởi một thực tế là hiện tại chưa thể kiểm soát chất lượng tất cả các loại thuốc và sản phẩm đông dược đang lưu hành trên thị trường. Hậu quả của vấn đề này sẽ rất trầm trọng và khó lường trước được những mối nguy hiểm, vì người bệnh cứ tin chắc rằng đang uống thuốc có nguồn gốc dược liệu nên an toàn và uống kéo dài. Chỉ đến khi bị những tác dụng có hại gây ra rất trầm trọng mới đến bệnh viện thì nhiều khi đã muộn.
Một động thái đáng chú ý trong thời gian tới là việc mở rộng liên tục Cơ sở Dữ liệu về gian lận thực phẩm và Cơ sở dữ liệu về các hoạt chất tân dược trộn lẫn trong thực phẩm bổ sung của Công ước dược phẩm Hoa kỳ (USP). Đây là toàn bộ cơ sở dữ liệu quốc tế về các báo cáo cố ý trộn lẫn hoạt chất tân dược vào thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm bổ sung, có kèm theo các kỹ thuật phân tích để phát hiện. Hội đồng Thực vật Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Thực phẩm và Viện Quốc phòng sẽ tài trợ cho các Hội nghị Dược phẩm được tổ chức tại Hoa Kỳ với các chủ đề về các trường hợp trộn lẫn tân dược, các trường hợp gian lận trong các sản phẩm thực phẩm và các chất bổ sung chế độ ăn uống.
FDA cũng đã đưa ra yêu cầu bổ sung rằng các nhà sản xuất thực phẩm bổ sung chế độ ăn uống phải báo cáo tất cả các phản ứng bất lợi. Hiệp hội Sản phẩm thảo dược Hoa Kỳ cũng đã và đang nỗ lực trong những năm qua để ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung ngày càng minh bạch hơn đối với người tiêu dùng.
Trong số các sáng kiến của Liên minh châu Âu để ngăn chặn sự pha trộn của các chất tân dược vào thuốc và các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, Cơ sở dữ liệu về Hệ thống cảnh báo nhanh đối với Thực phẩm cung cấp một cơ chế hiệu quả để xác định sự giả mạo, giúp cho các quốc gia thành viên của liên minh châu Âu có thể nhanh chóng thực hiện các động thái thích hợp với các sản phẩm gian lận trên thị trường.
Tổng hợp và lược dịch
Lê Thị Bích Hiền
Tài liệu tham khảo
- Geller A., Shehab N., Weidle N., Lovegrove M., Wolpert B., Timbo B., Mozersky R., Budnitz D. (2015), “Emergency department visits for adverse events related to dietary supplements”, New England Journal of Medicine, 373, pp. 1531–1540.
- Jacob Calahan, Dylan Howard, Ahmad J. Almalki, Mahabir P. Gupta, Angela I. Calderón (2016), “Chemical Adulterants in Herbal Medicinal Products: A Review”, Planta Medica, 82, pp. 505–515.
- Yuen Y.P., Lai C.K., Poon W.T., Ng S.W., Chan A.Y.W., Mak T.W.L. (2007), “Adulteration of over-the-counter slimming products with pharmaceutical analogues-an emerging threat”, Hong Kong Med. J., pp. 216–220.
- 6 loại thảo dược có khả năng gây tổn thương gan
- Tirzepatide giúp cải thiện tình trạng suy tim phân suất tống máu bảo tồn trên bệnh nhân béo phì
- FDA chấp thuận Ebglyss (Lebrikizumab) điều trị viêm da dị ứng
- Bệnh Alzheimer: Các loại thuốc mới được chấp thuận trên lâm sàng có tạo ra sự khác biệt thực sự không?
- FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà
- Tổn thương gan do thuốc
- Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga
- Tác dụng kháng virus của gamma-mangostin
- Chế độ ăn Keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan
- Một số điểm mới trong quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 17/11/2023
- Si rô ngô giàu fructose thúc đẩy sự phát triển khối u đường ruột ở chuột
- FDA cấp phép phê duyệt nhanh AMTAGVI điều trị ung thư hắc tố da
- WAINUA – THUỐC MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA THẦN KINH TÍCH TỤ AMYLOID DO ĐỘT BIẾN GEN
- CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN CỦA IDSA VỀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN DO ACINETOBACTER BAUMANNII KHÁNG CARBAPENEM NĂM 2023
- Làm việc vào ban đêm, buồn ngủ và sử dụng thuốc Modafinil
- FDA chấp thuận Vegzelma trong điều trị ung thư