Chi Quyển bá (Selaginella) là chi duy nhất trong họ Quyển bá (Selaginellaceae), thuộc nhóm thực vật có mạch lâu đời nhất trên trái đất. Trên thế giới có hơn 700 loài Selaginella đã được ghi nhận, phân bố ở nhiều môi trường sống khác nhau như sa mạc, rừng mưa nhiệt đới, khu vực miền núi…
Selaginella tamariscina có tên Việt Nam là quyển bá, quyển bá trường sinh, móng lưng rồng, cây chân vịt, thạch bá chi… Loài này đã được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền ở nhiều nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippine, Malaysia) để điều trị các bệnh khác nhau như chữa chấn thương, chảy máu dạ dày – ruột, tiểu ra máu, ho ra máu, bệnh trĩ, vàng da, viêm gan, ung thư… Bách khoa toàn thư về y học cổ truyền Trung Quốc đã liệt kê hơn 200 bệnh liên quan với loại thảo mộc này. Bộ phận dùng của Quyển bá có thể là toàn cây hoặc lá, dưới dạng tươi hay phơi sấy khô để sử dụng làm thuốc y học cổ truyền và ứng dụng trong mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống (Hình 1).
Hình 1. Selaginella tamariscina (P. Beauv.) Spring mọc trên đá vôi và các ứng dụng của nó. Ảnh từ Cơ sở dữ liệu thực vật ôn đới (Shipher Wu)
Các nghiên cứu về tác dụng dược lí đã chứng minh loài S. tamariscina có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, hạ đường huyết, kháng khuẩn, chống dị ứng, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Hoạt tính sinh học của loài S. tamariscina có thể liên quan đến sự hiện diện của các biflavonoid (trong đó chủ yếu là amentoflavone) và các hợp chất phenolic (dẫn xuất của selaginellin) (Hình 2).
Hình 2. Cấu trúc hóa học của một số hợp chất được phân lập từ loài S. tamariscina
Có rất nhiều bằng sáng chế liên quan đến việc sử dụng dược liệu Quyển bá trong lĩnh vực làm thuốc và mỹ phẩm. Khi sử dụng từ khóa S. tamariscina để tìm kiếm tại www.google.com/patents đã đưa ra hơn 3600 tài liệu tham khảo. Sự đa dạng của các bằng sáng chế đã phản ánh mối quan tâm rộng rãi của các nhà khoa học đối với loài thực vật này.
– Trong lĩnh vực làm thuốc (Hình 3a): có các bằng sáng chế về việc sử dụng S. tamariscina để phòng ngừa hoặc điều trị bệnh thoái hóa não cấp tính hoặc mãn tính (WO2006001664A1, 2006); hội chứng chuyển hóa (KR20160116427A, 2016); bệnh tim mạch (KR20050072177A, 2005); bệnh liên quan đến hệ thống mạch máu não (KR20050072175A, 2005); hen suyễn (KR20130048108A, 2011); viêm phổi (KR20130048109A, 2011); viêm da dị ứng (KR20130056138A, 2013); ung thư (KR20170082812A), nhiễm virus coxsackie và herpes (CN101361765A, 2008); viêm amidan (KR20130042726A, 2011); viêm mũi (KR20130048110A, 2011); bệnh dạ dày (CN1640485A); cải thiện chức năng phổi để kiểm soát việc tiết cortisol làm tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch góp phần điều trị các bệnh huyết khối bằng alkaloid có khung pyrrolidinoindoline được chiết xuất từ S. tamariscina (KR20130056137A, 2013; KR20130079963A, 2013; KR20130081852A, 2013; CN104274441A, 2014).
Hình 3. (a) Ứng dụng của S. tamariscina trong điều trị các bệnh khác nhau như đã đăng kí trong các đơn xin cấp bằng sáng chế. (b) Các ứng dụng mỹ phẩm trong bằng sáng chế dựa trên việc sử dụng các sản phẩm và/hoặc cao chiết có chứa S. tamariscina.
– Trong lĩnh vực mỹ phẩm (Hình 3b): đã có một số bằng sáng chế liên quan đến việc sử dụng các dịch chiết hoặc chế phẩm khác nhau để bảo vệ da, giảm lão hóa da hoặc chống rụng tóc có chứa S. tamariscina (CN110897971A). Một công bố về bằng sáng chế của Hàn Quốc trong việc tạo ra chế phẩm từ dịch chiết của loài S. tamariscina (Kwonbaek) và loài Saussurea (Sulolum hoặc Suolyeo) có tác dụng ngăn ngừa lão hóa và giảm kích ứng da đã được báo cáo. Ngoài ra, sự kết hợp của S. tamariscina với các loại thực vật khác cũng được đề xuất làm thành phần trong mỹ phẩm có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa (KR101046524B1, 2008), làm trắng và tái tạo da (CN107308085A, KR1020200106441A, 2020). Bên cạnh đó, một số bằng sáng chế liên quan đến sản xuất các chế phẩm khác nhau từ S. tamariscina có khả năng dưỡng ẩm, giữ ẩm cho da và để điều trị bỏng cũng đã được ghi nhận.
Số lượng bằng sáng chế có liên quan đến loài S. tamariscina đã cho thấy tiềm năng của cây Quyển bá trong lĩnh vực phát triển thuốc y học cổ truyền cũng như trong mỹ phẩm. Đồng thời, góp phần mở ra hướng đi mới trong công tác trồng và tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc từ loài thảo dược này.
Lược dịch
Nguyễn Đình Quỳnh Phú
Tài liệu tham khảo
Christian Bailly (2021), The traditional and modern uses of Selaginella tamariscina (P.Beauv.) Spring, in medicine and cosmetic: Applications and bioactive ingredients, Journal of Ethnopharmacology 280, 114444.
- 6 loại thảo dược có khả năng gây tổn thương gan
- Tirzepatide giúp cải thiện tình trạng suy tim phân suất tống máu bảo tồn trên bệnh nhân béo phì
- FDA chấp thuận Ebglyss (Lebrikizumab) điều trị viêm da dị ứng
- Bệnh Alzheimer: Các loại thuốc mới được chấp thuận trên lâm sàng có tạo ra sự khác biệt thực sự không?
- FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà
- Tổn thương gan do thuốc
- Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga
- Tác dụng kháng virus của gamma-mangostin
- Chế độ ăn Keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan
- Một số điểm mới trong quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 17/11/2023
- Si rô ngô giàu fructose thúc đẩy sự phát triển khối u đường ruột ở chuột
- FDA cấp phép phê duyệt nhanh AMTAGVI điều trị ung thư hắc tố da
- WAINUA – THUỐC MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA THẦN KINH TÍCH TỤ AMYLOID DO ĐỘT BIẾN GEN
- CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN CỦA IDSA VỀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN DO ACINETOBACTER BAUMANNII KHÁNG CARBAPENEM NĂM 2023
- Làm việc vào ban đêm, buồn ngủ và sử dụng thuốc Modafinil
- FDA chấp thuận Vegzelma trong điều trị ung thư