Vắc xin cúm cho bệnh nhân mắc COPD: can thiệp của dược sĩ

Virus cúm được xem là một nguyên nhân quan trọng gây ra tỷ lệ thương tật và tử vong cao trên thế giới. Ước tính hàng năm, con số người chết do virus cúm lên đến 49.000 trường hợp và số lượng người nhập viện là khoảng 430.000 người. Chi phí trực tiếp liên quan đến dịch cúm vượt quá 10 tỷ đô la. Nhóm bệnh nhân đặc biệt có nguy cơ trầm trọng thêm bởi virus cúm là các bệnh nhân mắc COPD. Tình trạng bệnh nặng hơn có thể làm tăng tỷ lệ tử vong, rối loạn chức năng phổi, chất lượng sống giảm sút, và tăng gánh nặng kinh tế đáng kể. Chính vì vậy, phòng ngừa cúm là việc thiết yếu trong quản lý COPD cũng như được khuyến cáo trong hầu hết các hướng dẫn điều trị.

Một vài yếu tố liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng virus cúm thấp đối với các đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm những người mắc COPD, chẳng hạn như nhầm lẫn rằng tiêm chủng có thể gây cúm, không thể tiếp cận được với trung tâm chăm sóc sức khoẻ, lo ngại về các thông tin vắc xin không được tiết lộ, niềm tin rằng tiêm chủng là không tiện dụng hoặc gây đau đớn, và có tiền sử các phản ứng phụ từ việc tiêm phòng trước đó.

Mặt khác, các yếu tố khác nhằm cải thiện đáng kể tỷ lệ tiêm chủng bao gồm cả các khuyến cáo của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Dược sĩ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có thể tiếp cận được nhiều nhất, có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện tỷ lệ tiêm chủng đối với nhóm có nguy cơ cao trong đó có những bệnh nhân mắc COPD. Dược sĩ không chỉ giáo dục bệnh nhân mắc COPD về tiêm phòng mà còn có thể tiêm vắc xin cúm ở tất cả 50 tiểu bang, Puerto Rico và Quận Columbia. Nhà thuốc tại cộng đồng làm việc theo giờ mở rộng và địa điểm thuận lợi có thể vượt qua được những rào cản của mất thời gian chờ đợi, những bất tiện do lệch với giờ làm việc, và nhu cầu hẹn khám bác sĩ để tiêm phòng.

Một số nghiên cứu cho thấy sự tham gia của dược sĩ trong việc cảnh báo và chỉ định vắc xin làm tăng tỷ lệ tiêm chủng, và bệnh nhân hài lòng với việc dược sĩ cung cấp các loại dịch vụ này. Một phân tích chi phí – hiệu quả cho thấy tiêm chủng cúm theo mùa cung cấp ở các địa điểm không chính thống như nhà thuốc là tiết kiệm chi phí cho các đối tượng có nguy cơ cao ở mọi lứa tuổi so với tiêm phòng tại các cơ sở y tế. Do đó, các dược sĩ có thể góp phần cải thiện tỷ lệ tiêm chủng ở các bệnh nhân mắc COPD không chỉ bằng cách tiêm vắc xin mà còn bằng cách chủ động phòng cúm cho cộng đồng.

Dược sĩ có thể nhận ra một bệnh nhân bị COPD cần tiêm vắc xin cúm bằng cách truy xuất cơ sở dữ liệu thuốc kê đơn tại nhà thuốc. Các loại thuốc điển hình dùng để điều trị COPD bao gồm thuốc giãn phế quản, methylxanthines và corticosteroid dạng hít / toàn thân . Dược sĩ có thể xác định theo tên các bệnh nhân COPD thường xuyên sử dụng các loại thuốc này và từ đó tiếp cận những bệnh nhân này trực tiếp hoặc gián tiếp bằng việc gửi tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn phù hợp để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin cúm. Những can thiệp này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc tiêm chủng cúm, đặc biệt là do sự tin tưởng của bệnh nhân đối với dược sĩ của họ, điều này làm tăng khả năng thực hiện các khuyến cáo của dược sĩ.

Ngoài ra, dược sĩ đóng một vai trò quan trọng trong việc thông tin vắc xin cúm cho bệnh nhân mắc COPD bằng cách nhận ra đặc điểm của những người không tiêm chủng và xác định lý do họ không được tiêm phòng.

  • Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng một phân tích mô tả cắt ngang từ dữ liệu quốc gia của BRFSS năm 2012. BRFSS là một nghiên cứu điều tra toàn quốc thông qua điện thoại, được tiến hành bởi mỗi sở y tế của tiểu bang cùng với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh (CDC). Các câu hỏi của BRFSS được sử dụng để thu thập thông tin từ các cá nhân được lựa chọn ngẫu nhiên về các yếu tố nguy cơ sức khoẻ và các hoạt động phòng ngừa liên quan đến bệnh mãn tính và các bệnh truyền nhiễm có thể phòng tránh.

Đối với nghiên cứu này, kết quả quan trọng là việc tiêm phòng cúm trong vòng 12 tháng qua. Điều này được đánh giá bằng câu hỏi trong BRFSS: “Trong 12 tháng qua, bạn đã từng chích một mũi cúm theo mùa hoặc vắc xin cúm theo mùa dưới dạng phun vào mũi hay chưa?”

Mô hình chăm sóc sức khỏe của Andersen được sử dụng để nhóm các biến như các đặc điểm nhân khẩu học, tuổi tác và giới tính, nhằm biểu diễn xu hướng sử dụng dịch vụ của cá nhân; các yếu tố làm tăng (hoặc cản trở) việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, ví dụ có bảo hiểm y tế và có bác sĩ điều trị ban đầu; và các yếu tố liên quan đến mức độ trầm trọng của bệnh đòi hỏi phải sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, như xuất hiện các bệnh kèm theo và nhận thức sức khoẻ của cá nhân.

Các đặc điểm nhân khẩu học được trích từ BRFSS và phân loại như sau: các nhóm tuổi (25 đến 44 tuổi, 45-64 tuổi và từ 65 tuổi trở lên); chủng tộc/dân tộc (gốc Tây Ban Nha, người da trắng không phải gốc TBN, người da đen không phải gốc TBN, và nhóm khác), giới tính (nam, nữ); tình trạng hôn nhân (kết hôn, góa bụa / ly hôn / ly thân, chưa kết hôn, thành viên của cặp vợ chồng không cưới); tình trạng hút thuốc lá (chưa bao giờ, trước đây, hiện tại); và trình độ học vấn (dưới trung học, tốt nghiệp trung học, cao đẳng, đại học trở lên).

  Các yếu tố khác gồm: tình trạng việc làm (làm việc, thất nghiệp); thu nhập hàng năm (thấp hơn 25.000 $, 25,000$ – 49,000$ và từ 50.000$ trở lên); có bảo hiểm sức khoẻ (có, không); không thể gặp bác sĩ vì lý do chi phí (có, không); có bác sĩ điều trị ban đầu (có, không); và vị trí địa lý theo thống kê khu vực đô thị.

Các yếu tố liên quan đến sức khoẻ là tình trạng sức khoẻ tổng quát (rất tốt, tốt, bình thường và yếu); các yếu tố nguy cơ về sức khỏe: sự hạn chế vận động (có, không), thời gian từ lần cuối kiểm tra sức khỏe (

 Các dữ liệu được phân tích bằng cách sử dụng phương pháp hồi quy logistic để xác định các yếu tố quan trọng liên quan đến việc tiêm chủng cúm. Các phát hiện được giải thích các yếu tố liên quan đến mô hình của Anderson.

  • Kết quả

 Tỷ lệ tiêm phòng cúm là 53% trong số các bệnh nhân mắc COPD. Tuổi cao là một yếu tố quan trọng làm tăng tỷ lệ tiêm chủng (tỉ số chênh điều chỉnh (AOR) = 2,4, khoảng tin cậy IC 95%: 2,02-2,88). Các yếu tố liên quan nhân khẩu học làm giảm tỷ lệ tiêm chủng là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha (AOR = 0.72, IC 95% = 0.59-0.86, và AOR = 0.78, IC 95%= 0.61-0.98), và có hút thuốc (đã từng và không bao giờ hút thuốc có tỷ lệ tiêm phòng cao hơn (AOR = 1,53, IC 95% = 1,3 -1,72, và AOR = 1,36, IC 95% = 1,19-1,55) so với người hút thuốc hiện tại. Các yếu tố làm tăng đáng kể tỷ lệ tiêm chủng cúm bao gồm bảo hiểm sức khoẻ (AOR = 1,68,95% IC = 1,37-2,06), bác sỹ điều trị chính (AOR = 1,63, IC 95% = 1,30-2,02), khả năng hẹn gặp bác sĩ bất kể chi phí (AOR = 1,33, KTC 95% = 1,17-1,52), sự xuất hiện các bệnh đi kèm như bệnh hen (AOR = 1.18, IC 95% = 1.1-1.3), hoặc bệnh tiểu đường (AOR = 1.36, IC 95% = 1.20-1.53), giới hạn vận động (AOR = 1.16, IC 95% = 1.04-1.29) , và khám sức khoẻ lần cuối trong vòng chưa đầy một năm (AOR = 1,49, IC 95% = 1,31-1,70).

  • Kết luận

Tỷ lệ tiêm chủng cúm ở bệnh nhân mắc COPD thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu quốc gia năm 2020 tại Mỹ. Trên BN COPD, các yếu tố khiến cho tỷ lệ tiêm chủng cúm thấp nhất bao gồm: trẻ tuổi, đang hút thuốc, thuộc nhóm dân tộc thiểu số, và các BN không có bác sĩ chăm sóc sức khoẻ ban đầu hoặc ít liên lạc với bác sĩ và BN không có bảo hiểm y tế.. Các dược sĩ có thể cải thiện tỷ lệ tiêm chủng ở các bệnh nhân mắc COPD bằng cách nhận ra những yếu tố ảnh hưởng này và đóng vai trò là người ủng hộ, tư vấn và chỉ định vắc xin cúm. Cuối cùng, với sự trợ giúp của các nhân viên y tế khác và nhóm tham gia xây dựng chính sách y tế, dược sĩ có thể góp phần giúp đạt mục tiêu của chương trình tiêm chủng dân số khoẻ mạnh năm 2020 phòng ngừa virus cúm.

Tài liệu tham khảo

  1. Rasha M. Arabyat, Dennis W. Raisch, Ludmila Bakhireva, Influenza vaccination for patients with chronic obstructive pulmonary disease:Implications for pharmacists, Research in Social & Administrative Pharmacy, DOI: 10.1016/j.sapharm.2017.02.010
  2. Molinari N-AM, Ortega-Sanchez IR, Messonnier ML, et al. The annual impact of seasonal influenza in the US: measuring disease burden and costs. Vaccine. 2007;25:5086-5096.
  3. Pesek R, Lockey R. Vaccination of adults with asthma and COPD. Allergy. 2011;66:25-31.
  4. Rothbarth PH, Kempen BM, Sprenger MJW. Sense and nonsense of influenza vaccination in asthma and chronic obstructive pulmonary disease. Am J Respir Crit Care Med. 1995;151(5 Pt 1):1682-1686.
  5. George C, Zermansky W, Hurst JR. Frequent exacerbations in chronic obstructive pulmonary disease. BMJ. 2011;342.

Lược dịch

ThS. Ngô Thị Thu Hằng

 

Trả lời