Vai trò của tài liệu y tế đối với việc cải thiện đọc hiểu y tế của bệnh nhân

 

Thuật ngữ “đọc hiểu y tế” được sử dụng trong Health People 2010 và được định nghĩa là “Mức độ mà cá nhân có khả năng thu thập, hiểu, xử lý, (và hành động y tế) các thông tin và dịch vụ sức khỏe cơ bản để đưa ra các quyết định y tế thích hợp.”

Một phụ nữ Mỹ gốc Phi 29 tuổi nhập viện cấp cứu tại Baltimore sau ba ngày đau bụng và sốt. Sau khi được thăm khám nhanh, cô được thông báo rằng cô sẽ cần phải phẫu thuật thăm dò mở bụng. Sau đó, cô bị kích động và yêu cầu gia đình đưa về nhà. Khi được nhân viên tiếp cận, cô hét lên “Tôi đến đây trong đau đớn và tất cả những gì các ông muốn là mở bụng tôi!”Cô từ chối không ký bất kỳ thủ tục nào và sau đó chết vì viêm ruột thừa.

(nguồn: Health Literacy- A Prescription to End Confusion)

Hiểu biết kém về sức khỏe và các phương pháp điều trị có sẵn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của người bệnh. Một nghiên cứu ở Mỹ đã cho thấy trong 3,8 tỷ đơn thuốc được kê mỗi năm, hơn một nửa trong số đó được sử dụng không đúng cách hoặc không hoàn toàn đúng và trong một cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.000 bệnh nhân, gần 75% bệnh nhân thừa nhận không phải lúc nào cũng uống thuốc theo đúng chỉ dẫn .

 dlshieubietvesuckhoe(nguồn: Western Sydney Local Health District)

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đọc hiểu y tế của người bệnh, bao gồm: kỹ năng đọc, tuổi, trình độ văn hóa, độ phức tạp của thông tin và ngôn ngữ truyền đạt. Năm 2009, Kaiser Permanente đã tiến hành nghiên cứu đánh giá toàn diện về sự thất bại trong phác đồ kê đơn và tìm thấy những rào cản liên quan đến việc tuân thủ sử dụng thuốc ở bệnh nhân gồm vấn đề tài chính, quên, thiếu kiến thức về thuốc, cách sử dụng thuốc, và thiếu khả năng đọc hiểu y tế. Một nghiên cứu phân tích meta được tiến hành gần đây cho thấy đọc hiểu y tế có mối liên quan với các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc tuân thủ sử dụng thuốc ở bệnh nhân.

Như vậy, đọc hiểu y tế đòi hỏi sự chú ý đặc biệt trong việc phát triển và áp dụng các tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc tổng quát cho bệnh nhân. Ngoài ra, dược sĩ nên được cung cấp thêm thông tin và tư vấn trực tiếp cho những bệnh nhân có trình độ đọc hiểu y tế kém. Một trong các vai trò quan trọng nhất của dược sĩ tại nhà thuốc là tư vấn cho bệnh nhân về bệnh tật và các loại thuốc được kê đơn điều trị. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đáp ứng của bệnh nhân với sự tư vấn của dược sĩ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phù hợp của cuộc giao tiếp với khả năng tiếp thu và thực hiện của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân có trí nhớ hạn chế, kể cả những người có trình độ hiểu biết cao, quá trình tư vấn cần được hỗ trợ bởi các tài liệu y tế liên quan.

DLSHEALTH

(nguồn: Western Sydney Local Health District)

Tài liệu tham khảo

  1. Patel A. et al. (2018), Patient counseling materials: the effect of patient health literacy on the comprehension of printed prescription drug information, Res Social Adm Pharm., Sep;14(9):851-862, doi: 10.1016/j.sapharm.2018.04.035.
  2. Osterberg L, Blaschke T. (2005), Aherence to medication, N Engl J Med.; 353: 487-489.
  3. US Department of Health and Human Services (2010), Office of Disease Prevention and Health Promotion, National Action Plan to Improve Health Literacy, Washington, DC
  4. Ratzan SC, Parker RM. (2000). Introduction. In: National Library of Medicine Current Bibliographies in Medicine: Health Literacy. NLM Pub. No. CBM 2000-1. Bethesda, MD: National Institutes of Health, U.S. Department of Health and Human Services.
  5. 5. Weiss BD (2007), Health Literacy and Patient Safety: Help Patients Understand. Boston, Ma: American Medical Association Foundation and American Medical Association
  6. http://www.mhcs.health.nsw.gov.au/publicationsandresources/pdf/publication-pdfs/ahs-9695-health-literacy/ahs-9695-vie.pdf

Lược dịch vào ngày 24/10/2018

ThS. Ngô Thị Thu Hằng

 

Trả lời