Vai trò của xét nghiệm protein vận chuyển vitamin D (DBP) máu trong chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở trẻ em

 

Protein vận chuyển vitamin D (Vitamin D-binding protein – DBP), còn được gọi là GC-globulin (group-specific component), là một protein mã hoá bởi gen GC. Đây là một protein đa chức năng tìm thấy trong huyết tương, dịch não tủy và trên bề mặt của nhiều loại tế bào.

Nó có thể liên kết các dạng vitamin D khác nhau bao gồm vitamin D2, vitamin D3, calcifediol, và calcitriol. Nó vận chuyển các chất chuyển hóa vitamin D giữa da, gan, thận, và sau đó đến các mô đích khác nhau.

Tien DPB

Hình 1. Cấu trúc protein vận chuyển vitamin D (Nguồn: Wikipedia)

Gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Ohio phát hiện ra rằng trẻ bị rối loạn lưỡng cực có nồng độ protein vận chuyển vitamin D cao hơn khi so sánh với trẻ không mắc chứng rối loạn này.

Theo Giáo sư Ouliana Ziouzenkova, trưởng nhóm nghiên cứu, việc tìm ra một phép xét nghiệm máu giúp xác định rối loạn lưỡng cực có thể cải thiện việc chăm sóc và giúp giảm trung bình 10 năm thời gian từ lúc khởi phát đến lúc được chẩn đoán so với hiện tại.

Trong một nghiên cứu trên 36 người trẻ tuổi được đăng trên tạp chí Translational Psychiatry, nồng độ của protein vận chuyển vitamin D cao hơn 36% ở những người có rối loạn lưỡng cực so với những người không mắc chứng rối loạn này.

Mặc dù việc khẳng định vài trò của chất chỉ điểm (marker) trong máu sẽ cần nhiều thời gian với các nghiên cứu sâu hơn, nhưng GS. Ziouzenkova và cộng sự của cô rất tin tưởng về tiềm năng của nghiên cứu, và những lợi ích mà nghiên cứu này mang lại cho bệnh nhân.

Giáo sư tâm thần học và dinh dưỡng lâm sàng Barbara Gracious, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Rối loạn lưỡng cực ở trẻ em có thể rất khó phân biệt với các rối loạn khác, đặc biệt ở tuổi thanh niên với một số loại trầm cảm nhất định”.

Bà nói: “Chẩn đoán nhanh và phương pháp điều trị thích hợp làm giảm bớt đau khổ của đứa trẻ và gia đình và có thể làm giảm nguy cơ tự tử.”

Giáo sư Gracious cho biết thêm rằng các chất chỉ điểm sinh học (biomarker) nhạy cảm và đặc hiệu có thể giúp các bác sĩ lâm sàng tự tin hơn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp và có chẩn đoán đúng đắn, và cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định liệu việc xét nghiệm protein vận chuyển vitamin D có thể là một công cụ có giá trị trong lâm sàng.

Nghiên cứu thí điểm trên lâm sàng được thực hiện tại Bệnh viện Harding ở Trung tâm Y tế Wexner, bang Ohio, Mỹ với số lượng 13 trẻ không rối loạn tâm trạng, 12 trẻ được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực và 11 trẻ bị trầm cảm.

Ziouzenkova nói rằng rất có ý nghĩa để nhìn vào protein vận chuyển vitamin D vì nó có khả năng đóng một vai trò trong viêm não. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các dấu hiệu viêm trong máu, nhưng không thấy có tương quan đáng kể. Trong khi đó, sự xuất hiện của vitamin D trong máu dường như có khả năng chẩn đoán thấp, trái ngược với protein vận chuyển vitamin D.

Ziouzenkova cho biết: “Chúng tôi muốn xem xét các yếu tố có thể liên quan đến rối loạn cảm xúc ở cấp độ tế bào và có thể dễ dàng tìm thấy chúng trong máu”

Cho đến nay, việc tìm ra một dấu hiệu trong máu đáng tin cậy cho chẩn đoán rối loạn lưỡng cực vẫn đang là vấn đề khó, cô nói. Phòng thí nghiệm của cô sử dụng một kỹ thuật phức tạp phân tích huyết tương, trong đó họ sử dụng “mồi” sinh học để “bắt” các yếu tố gây viêm. Điều đó đã giúp họ xác định được protein vận chuyển vitamin D như một mục tiêu chẩn đoán tiềm năng.

Ziouzenkova nói: “Chúng tôi muốn giúp các bác sĩ tâm thần và các bác sĩ khác chẩn đoán sớm và chính xác cho trẻ sơ sinh. Một khi rối loạn lưỡng cực tiến triển, sẽ khó khăn hơn nhiều để điều trị”.

Nếu các nghiên cứu xa hơn khẳng định kết quả này, việc phát triển loại test xét nghiệm  máu sẽ là một hướng phát triển tương đối đơn giản và rẻ tiền. GS Ziouzenkova hiện đang tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho một nghiên cứu lớn hơn trên bệnh phẩm máu thu thập từ những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, kể cả người lớn.

                                                                                                            Theo Sciencedaily

                                                                                                            Nguyễn Hữu Tiến

                                                                                                                        Lược dịch

Tham khảo:

Brawnie Petrov, Ayat Aldoori, Cindy James, Kefeng Yang, Guillermo Perez Algorta, Aejin Lee, Liwen Zhang, Tao Lin, Reem Al Awadhi, Jonathan R. Parquette, Arpad Samogyi, L. Eugene Arnold, Mary A. Fristad, Barbara Gracious, Ouliana Ziouzenkova (2018), “Bipolar disorder in youth is associated with increased levels of vitamin D-binding protein”, Translational Psychiatry, 8 (1) DOI: 10.1038/s41398-018-0109-7

 

Trả lời