Tổng quan về ung thư vú và các phương pháp điều trị ung thư vú tại Việt Nam hiện nay

 

Dịch tễ ung thư vú

Ung thư vú (UTV) là loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Theo báo cáo của GLOBOCAN 2020, ước tính trên thế giới có khoảng 19,3 triệu ca ung thư mắc mới. Trong đó, UTV đã vượt qua ung thư gan và ung thư phổi, trở thành ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất với 2,26 triệu ca và chiếm 11,7% năm 2020. Về tỉ lệ tử vong, UTV đứng thứ 4 với gần 685 ngàn ca tử vong (chiếm 6.9%) [4].

Tại Việt Nam, theo thống kê GLOBOCAN năm 2020, UTV là loại ung thư đứng ở vị trí thứ 3 về số ca mắc mới do ung thư. Năm 2018, Việt Nam có 21.555 ca mắc mới UTV, chiếm tỷ lệ 11,8%. Số ca tử vong do UTV là 9.345 ca, chiếm tỷ lệ 7,6%, đứng ở vị trí thứ tư về số ca tử vong do ung thư gây ra. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc UTV đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Nếu năm 2013 tỉ lệ mắc UTV ở mức 24,4 người mắc/100.000 phụ nữ, thì đến năm 2020 con số này đã tăng lên 34,2 người mắc/100.000 phụ nữ [5].

Đặc điểm UTV và các yếu tố tiên lượng

Đa số UTV xuất phát từ các tế bào biểu mô của vú. Bệnh Paget của vú có thể kèm theo UTV. Do vậy, khi có thành phần ung thư trên Paget vú cần được điều trị như UTV thông thường với giai đoạn tương ứng [1]. Ung thư vú có thể gặp ở cả nữ giới và nam giới, tuy nhiên hiếm gặp ở nam giới. Ung thư vú nam chiếm khoảng 1% các trường hợp UTV [1].

Các yếu tố tiên lượng quan trọng của UTV bao gồm: kích thước u nguyên phát, số lượng hạch di căn, thể mô bệnh học, độ mô học, tình trạng thụ thể nội tiết, tình trạng thụ thể yếu tố phát triển biểu bì người số 2 (human epidermal growth factor receptor-HER2) và tuổi [1].

baidangwebthang5dlsqld.jpg

Yếu tố nguy cơ

Trong các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, nổi bật là tiền sử gia đình có người mắc UTV, đặc biệt có từ 2 người mắc trở lên ở lứa tuổi trẻ. Người ta cũng tìm thấy sự liên quan giữa đột biến gen BRCA1 và BRCA2 với UTV, ung thư buồng trứng và một số ung thư khác.

Một số yếu tố khác bao gồm: có kinh lần đầu sớm, mãn kinh muộn, phụ nữ độc thân, không sinh con, không cho con bú, sinh con đầu lòng muộn. Béo phì, chế độ ăn giàu chất béo, sử dụng rượu cũng góp phần tăng nguy cơ bị bệnh. Viêm vú trong khi sinh đẻ và một số bệnh vú lành tính cũng là các yếu tố tăng nguy cơ mắc UTV. Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở những người rất trẻ [1].

Nguyên tắc điều trị UTV

Điều trị UTV phụ thuộc giai đoạn bệnh lúc chẩn đoán, đặc điểm bệnh học khối u (thể mô bệnh học, độ mô học, tình trạng thụ thể nội tiết, HER2, chỉ số tăng sinh khối u, các đột biến gen, các yếu tố nguy cơ về gen…), tốc độ phát triển trên lâm sàng của bệnh, sự ưa thích của bệnh nhân và các bệnh kèm theo.

Đối với hầu hết các trường hợp, điều trị cần phối hợp đa phương pháp, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, và điều trị hệ thống. Việc sử dụng phương pháp, thuốc với thời điểm và liều lượng cần được cá thể hóa theo từng người bệnh. Các phương pháp được lựa chọn sao cho kết quả điều trị cao nhất mà độc tính, tác dụng không mong muốn cấp và mãn thấp nhất, đảm bảo chất lượng sống tốt nhất. Đồng thời, cần quan tâm đến các vấn đề khác: thẩm mỹ, tâm lý, khả năng quay lại công việc, đời sống tình dục, sinh đẻ…[1].

Các phương pháp điều trị

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế Việt Nam, hiện nay có các phương pháp điều trị UTV như sau [1], [2],[3]:

  • Phẫu thuật

– Đối với khối u nguyên phát: có các hình thái phẫu thuật như cắt tuyến vú vét hạch nách, cắt tuyến vú tiết kiệm da, cắt tuyến vú bảo tồn quầng núm, phẫu thuật bảo tồn kết hợp với các kỹ thuật tái tạo.

– Đối với hạch vùng: có các hình thái phẫu thuật như nạo vét hạch nách hoặc sinh thiết hạch cửa.

– Tạo hình và tái tạo tuyến vú cho bệnh nhân UTV: đây là nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người bệnh trong những năm gần đây. Có nhiều biện pháp tạo hình, tái tạo tuyến vú như sử dụng chất liệu độn (implant), sử dụng các vạt da cơ có cuống hay vạt da cơ tự do với kỹ thuật vi phẫu. Việc chỉ định loại phẫu thuật này cần được đưa ra bởi bác sỹ chuyên ngành ung bướu sau khi đã có đánh giá tổng thể toàn diện các vấn đề liên quan đến tiên lượng bệnh ung thư và chất lượng sống của người bệnh.

– Phẫu thuật sạch sẽ, phẫu thuật triệu chứng: đối với giai đoạn muộn.

  • Xạ trị

Xạ trị chiếu ngoài

  • Xạ trị tại diện u: áp dụng với các trường hợp có khối u lớn (>5cm) hoặc u ở vị trí ngoại biên, khả năng cắt rộng bị giới hạn
  • Xạ trị tại hạch vùng: áp dụng cho các trường hợp có 4 hạch di căn hoặc có hạch di căn kết hợp với yếu tố nguy cơ cao
  • Xạ trị trong điều trị bảo tồn: đây là lựa chọn bắt buộc trong điều trị bảo tồn ung thư vú.

Xạ trị trong UTV có nhiều hình thức đa dạng: xạ trị bằng máy Cobalt thông thường đến xạ trị bằng máy gia tốc với các kỹ thuật hiện đại như lập kế hoạch và xạ trị 3D, xạ trị điều biến liều, xạ trị với suất liều thấp, xạ trị điều biến thể tích VMAT, xạ trị proton…

   Mô phỏng xạ trị: Chụp mô phỏng bằng CLVT, MRI hoặc PET/CT, PET/MRI.

Xạ trị áp sát:

Cấy hạt phóng xạ vào khối u hoặc diện u trong các trường hợp không phẫu thuật triệt căn được hoặc bệnh lý kèm theo không thể phẫu thuật hay bệnh nhân nhất định từ chối phẫu thuật.

Xạ trị trong mổ (Intraoperative Radiation Therapy: IORT)

  • IORT là một kỹ thuật đặc biệt có thể cung cấp một liều xạ trị duy nhất, tập trung cao liều bức xạ tại nền khối u sau phẫu thuật hoặc phần còn lại của khối u không thể phẫu thuật được, các khối u tái phát, di căn.
  • Các chỉ định cho xạ trị trong mổ với ung thư vú thường là các khối u vú mổ tiếp cận, mổ bảo tồn (kích thước u là dưới 3cm và không có hạch trên lâm sàng), hoặc các trường hợp tái phát.
  • Có thể sử dụng IORT với liều duy nhất hoặc tăng cường xạ trị toàn bộ vú, đặc biệt những trường hợp ung thư vú tái phát.
  • Điều trị hệ thống

Hóa trị: được áp dụng cho phần lớn các bệnh nhân UTV vào một thời gian nào đó. Đây là phương pháp hiệu quả cao, mang lại rất nhiều lợi ích về sống thêm cho người bệnh. Các hoá chất thường được sử dụng trong điều trị UTV là: cyclophosphamide, (nhóm alkyl hoá); capecitabine, fluorouracil (5-FU), gemcitabine (nhóm kháng chuyển hoá); doxorubicin, epirubicin (nhóm Anthracycline, kháng sinh chống khối u); palitaxel, docetaxel (nhóm taxan); vinorelbine, eribulin (nhóm ức chế tiểu vi quản); carboplatin, cisplatin (nhóm platin)…

– Điều trị nội tiết: được áp dụng cho các trường hợp UTV có thụ thể nội tiết dương tính.

Các thuốc nội tiết thường sử dụng hiện nay là: Tamoxifen; Anastrozole, Letrozole (nhóm ức chế aromatase-AI), Exemestane; Fulvestrant…, kết hợp các thuốc ức chế CDK4/6 như Ribociclib.

– Điều trị đích: là phương pháp điều trị sử dụng các thuốc là kháng thể đơn dòng nhắm vào các đích đặc hiệu của tế bào ung thư vú. Các thuốc điều trị đích được sử dụng trong điều trị UTV là trastuzumab, lapatinib, pertuzumab, bevacizumab, trastuzumab emtansin (T-DM1).

Điều trị miễn dịch: là phương pháp dùng các thuốc tác động vào các đích là các cơ chế miễn dịch xác định, giúp cơ thể loại trừ tế bào ung thư (như Atezolizumab)

Việc sử dụng một hay nhiều phương pháp điều trị nêu trên căn cứ vào giai đoạn và các yếu tố bệnh học trên từng bệnh nhân cụ thể [1].

Các thuốc điều trị đích ra đời đã tạo một đột phá quan trọng trong điều trị UTV

và sự ra đời của liệu pháp miễn dịch đã mở ra một hướng đi mới trong điều trị bệnh ung thư, trong đó có UTV. Với sự phát triển của nhiều liệu pháp tiên tiến,  hiệu quả điều trị UTV ngày càng được nâng cao, cũng như thời gian sống và chất lượng sống của bệnh nhân UTV ngày càng được cải thiện đáng kể.

Tỷ lệ sống 5 năm của bệnh nhân UTV ngày càng được cải thiện. Thống kê tại Hoa kỳ năm 2001-2002: giai đoạn 0: 100%; giai đoạn I: 88%; giai đoạn II: 74-81%; giai đoạn III: 41-67%; giai đoạn IV: 15%. Đến năm 2012, tỷ lệ này là: giai đoạn 0 và I: 100%; giai đoạn II: 93%; giai đoạn III: 72%; giai đoạn IV: 22% [1]. Điều này cho thấy, chìa khoá quan trọng để chiến thắng được UTV là cần nâng cao ý thức cộng đồng cũng như có chương trình về tầm soát UTV, nhằm sàng lọc, phát hiện UTV ở giai đoạn sớm nhất (giai đoạn 0), để đạt được tối ưu hiệu quả điều trị.

Người tổng hợp 

ThS.DS. Lưu Nguyễn Nguyệt Trâm

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2018), Quyết định số 3128/QĐ-BYT ngày 07/07/2020 về ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư vú.
  2. Nguyễn Bá Đức (2013), Hoá chất điều trị bệnh ung thư, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  3. Trần Văn Thuấn (2014), Điều trị bệnh ung thư vú, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  4. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/900-world-fact-sheets.pdf
  5. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf

 

Trả lời