Bệnh viêm ruột, gây ra bởi tình trạng viêm mãn tính ở niêm mạc đường tiêu hóa, có thể gây suy nhược và đe dọa tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Một trong các hướng điều trị bao gồm việc ức chế các phản ứng miễn dịch.
Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học Tokyo đã phát hiện một hợp chất polyphenolic có nguồn gốc từ quả việt quất cho thấy tác dụng ức chế miễn dịch đáng chú ý và có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh viêm ruột. Trong nghiên cứu mới nhất của họ, được công bố trên Tạp chí FASEB (tháng 11/2020), các nhà khoa học đã xác định được hợp chất Pterostilbene, chiết xuất từ quả việt quất, có đặc tính ức chế miễn dịch mạnh. Hợp chất này rất giống với một hợp chất tự nhiên khác – tên gọi resveratrol, được biết là có nhiều tác dụng sinh học quan trọng, bao gồm: chống viêm, chống ung thư, chống kết tập tiểu cầu, bảo vệ tim mạch, chống lão hóa… Tiến sĩ Takuya Yashiro, tác giả của báo cáo này, giải thích ý tưởng thúc đẩy nghiên cứu của họ, “resveratrol, một polyphenol, được biết là có tác dụng điều hòa miễn dịch và chống viêm rõ rệt trên các mô hình động vật bị loét đại tràng. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu tìm kiếm các hợp chất khác có cấu trúc tương tự resveratrol như một hướng điều trị mới cho bệnh viêm ruột”.
Ở những bệnh nhân bị viêm ruột, niêm mạc đường tiêu hóa chứa các vết loét lâu ngày do viêm mãn tính, nguyên nhân do phản ứng miễn dịch trong cơ thể tăng cao. Điều này liên quan đến việc sản xuất quá mức các phân tử liên quan đến hệ thống miễn dịch được gọi là cytokine. Hơn nữa, hai loại tế bào miễn dịch, “tế bào đuôi gai” (DC) và “tế bào T”, cũng cho thấy sự liên quan: khi bắt đầu phản ứng miễn dịch, các tế bào đuôi gai DC tạo ra các cytokine gây viêm và kích hoạt các tế bào T để bắt đầu phản ứng phòng vệ. Các quá trình này cùng nhau tạo thành một hệ thống các phản ứng phức tạp dẫn đến phản ứng miễn dịch quá mức. Vì vậy, để tìm ra một hợp chất có thể ức chế hệ thống miễn dịch một cách hiệu quả, điều quan trọng là phải thử nghiệm nó trên hệ thống các tế bào miễn dịch này.
Do đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu ảnh hưởng của một loạt các hợp chất có nguồn gốc thực vật đối với sự tăng sinh tế bào T qua trung gian tế bào đuôi gai DC. Các nghiên cứu này đã cho thấy hợp chất Pterostilbene sở hữu hoạt tính ức chế miễn dịch mạnh hơn các ứng viên khác. Khi nghiên cứu sâu hơn, họ phát hiện ra rằng Pterostilbene ngăn tế bào T biệt hóa thành Th1 và Th17 (dưới loài của tế bào T, có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch) đồng thời tăng khả năng biệt hóa của chúng thành tế bào T điều hòa (một dưới loài khác của tế bào T, có tác dụng ức chế viêm). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Pterostilbene ức chế sản xuất cytokine gây viêm từ các tế bào DC bằng cách làm giảm hoạt tính liên kết DNA của một yếu tố phiên mã quan trọng PU.1.
Trên nghiên cứu in vivo, nhóm tác giả sử dụng mô hình chuột bị gây viêm đại tràng bằng Dextran natri sulfat (DSS). Để chứng minh tác dụng của Pterostilbene, hàng ngày chuột được cho uống Pterostilbene với liều 100 mg/kg/ngày từ 3 ngày trước khi cho chuột uống dung dịch chứa 2,5% DSS (khối lượng/thể tích). Các thông số được đánh giá là sự giảm cân của chuột gây ra bởi DSS, chiều dài đại tràng chuột cho thấy sự cải thiện đáng kể và có ý nghĩa thống kê trên lô chuột dùng Pterostilbene so với các thông số tương ứng trong nhóm đối chứng (dùng tá dược) (Hình 1; Hình 2).
Hình 1. Biểu đồ so sánh sự thay đổi cân nặng chuột giữa lô chuột uống Pterostilbene (DSS+PSB) và lô đối chứng uống tá dược (DSS+ Vehicle)
Hình 2. Biểu đồ so sánh chiều dài đại tràng chuột giữa lô chuột uống Pterostilbene (DSS+PSB) và lô đối chứng uống tá dược (DSS+ Vehicle)
Tóm lại, kết quả nghiên cứu in vivo về tác dụng của Pterostilbene trên mô hình chuột bị gây viêm ruột cho thấy nhóm chuột uống Pterostilbene đã được cải thiện các triệu chứng của viêm ruột. Vì vậy, nghiên cứu khẳng định rằng Pterostilbene là một chất chống viêm cực kỳ hứa hẹn trong điều trị bệnh viêm ruột. Ngoài ra, Pterostilbene còn được hấp thu tương đối dễ dàng trong cơ thể, điều này làm cho Pterostilbene trở thành một ứng cử viên thuốc đầy tiềm năng.
Tổng hợp và lược dịch
Lê Thị Bích Hiền
Tài liệu tham khảo
- Takuya Yashiro, Shiori Yura, Akari Tobita, Yuki Toyoda, Kazumi Kasakura, Chiharu Nishiyama (2020), “Pterostilbene reduces colonic inflammation by suppressing dendritic cell activation and promoting regulatory T cell development”, The FASEB Journal, 2020, 00:1–10; DOI: 1096/fj.202001502R
- Tokyo University of Science. “Berry good news: newly discovered compound from blueberries could treat inflammatory disorders: Scientists show how a polyphenolic compound derived from blueberry can treat inflammatory bowel disease.” ScienceDaily, 23 September 2020.
- FDA chấp thuận Ebglyss (Lebrikizumab) điều trị viêm da dị ứng
- Bệnh Alzheimer: Các loại thuốc mới được chấp thuận trên lâm sàng có tạo ra sự khác biệt thực sự không?
- FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà
- Tổn thương gan do thuốc
- Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga
- Tác dụng kháng virus của gamma-mangostin
- Chế độ ăn Keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan
- Một số điểm mới trong quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 17/11/2023
- Si rô ngô giàu fructose thúc đẩy sự phát triển khối u đường ruột ở chuột
- FDA cấp phép phê duyệt nhanh AMTAGVI điều trị ung thư hắc tố da
- WAINUA – THUỐC MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA THẦN KINH TÍCH TỤ AMYLOID DO ĐỘT BIẾN GEN
- CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN CỦA IDSA VỀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN DO ACINETOBACTER BAUMANNII KHÁNG CARBAPENEM NĂM 2023
- Làm việc vào ban đêm, buồn ngủ và sử dụng thuốc Modafinil
- FDA chấp thuận Vegzelma trong điều trị ung thư
- Nghiên cứu thuần tập đánh giá mối liên quan giữa đường nhân tạo (đường hóa học) và nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Thị trường thuốc điều trị ung thư vú giai đoạn 2020 – 2027