Đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh sởi

 

Từ thông tin của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2018, bệnh sởi đã có mặt tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại khu vực châu Âu, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Sự lây lan của dịch bệnh chỉ có thể ngăn chặn được khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ.

to roi phong chong benh soidls

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương… Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ở trẻ em, nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai. Hiện nay đang trong mùa đông xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin còn chưa cao tại khu vực có mật độ dân cư cao, thường xuyên biến động dân cư, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống khó tiếp cận dịch vụ y tế, đồng thời dịch bệnh sởi thường có chu kỳ 4 – 5 năm một lần, hiện đang nằm trong chu kỳ dịch, vì vậy dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

Thông tin mới nhất ghi nhận từ truyền hình vtv cập nhật vào giữa tháng 2/2019 hiện 43 tỉnh, thành phố đã có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Phong chong benh soi 1dls

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Trước diễn biến phức tạp của tình hình của dịch bệnh sởi, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng và điều trị bệnh sởi, Cục Quản lý dược đề nghị theo công văn số 579/QLD-KD ngày 21/01/2019 như sau:

  • Sở Y tế địa phương khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nội dung về dự trữ, cung ứng thuốc tại công văn số 16632/QLD-KD ngày 28/8/2018 về đảm bảo cung ứng thuốc phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi. Đồng thời, Sở Y tế báo cáo kịp thời về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh sởi trên địa bàn.
  • Các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ: chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật số lượng và tình trạng các ca mắc sởi và kịp thời liên hệ với các cở sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho công tác phòng và điều trị bệnh.
  • Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch, bệnh.

a6a388fc861909a591e788d9d8710a24dls

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Trước tình hình đó, để phòng chống bệnh sởi, ngày 16-1, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

– Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi.Vắc xin phòng bệnh Sởi bao gồm vắc xin Sởi đơn giá và vắc xin phối hợp Sởi – Rubella (MR) hoặc Sởi – Quai bị – Rubella (MMR).

+ Đưa trẻ từ 9-12 tháng tuổi đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

+ Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.

+ Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

– Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày.

– Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa …), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

– Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1-2 lần/ngày.

– Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hằng ngày.

– Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.

– Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

– Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tài liệu tham khảo

https://dav.gov.vn/cong-van-ve-viec-dam-bao-cung-ung-thuoc-phong-dieu-tri-benh-soi-n2273.html

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/6371/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-trong-dip-tet-va-mua-le-hoi-2019

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/6376/moi-nguoi-dan-ke-ca-nguoi-lon-tuoi-chua-tiem-vac-xin-phong-benh-soi-can-den-ngay-co-so-y-te-de-tiem-phong

https://vtv.vn/suc-khoe/soi-da-lan-rong-den-43-tinh-thanh-pho-20190219123731247.htm

Tổng hợp tin vào ngày 18/02/2019

ThS. Ngô Thị Thu Hằng

 

Xem thêm:

Trả lời