Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis): dược liệu tiềm năng trong hỗ trợ điều trị cường giáp

Cường giáp (hyperthyroidism) là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn đến việc sản xuất hormon giáp T4 và hoặc T3 nhiều hơn bình thường. Nồng độ những hormone này lưu hành trong máu tăng lên sẽ gây ra các tổn hại về mô và chuyển hoá. Nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp là bệnh Basedow (hay còn gọi bệnh Graves). Bệnh Basedow là một loại bệnh tự miễn. Khi mắc bệnh này tuyến giáp sẽ bị tấn công với biểu hiện bướu cổ, đánh trống ngực, hồi hộp, đổ mồ hôi, sụt cân, bệnh lý nhãn khoa… Bệnh được chẩn đoán bằng xét nghiệm chức năng tuyến giáp gồm TSH và hormone giáp: tăng kháng thể thụ thể T3, T4, TSH và giảm nồng độ TSH trong máu. Bệnh cường giáp được điều trị bằng cách dùng thuốc kháng giáp, chất phóng xạ Iodine hoặc cắt bỏ tuyến giáp. Tuy nhiên, rất khó để mong đợi bệnh Graves thuyên giảm hoàn toàn về mặt lâm sàng với các phương pháp điều trị trên [1]. Tái phát và các tác dụng phụ thường xuyên xảy ra sau khi điều trị bằng thuốc, tình trạng kháng thuốc kháng giáp ngày càng tăng. Liệu pháp iốt phóng xạ và cắt bỏ tuyến giáp có thể dẫn đến suy giáp [4]. Do đó, ngày càng nhiều bệnh nhân sử dụng các thảo dược để điều trị bệnh [7], [8].

Scutellaria baicalensis Georgi (Hoàng cầm) thuộc họ Lamiaceae là cây thuốc bản địa của nhiều nước Đông Á và được trồng ở nhiều nước Châu Âu [2], [10]. Người Trung Quốc đã sử dụng rễ khô Hoàng cầm trong hơn 2000 năm. Rễ khô của Hoàng cầm có vị đắng, tính hàn, dùng để điều trị các bệnh về phổi như: phế nhiệt, nhiễm trùng đường hô hấp; các bệnh tiêu hóa như: tiêu chảy, kiết lị và một số bệnh lý khác như gan, tăng huyết áp, viêm, ung nhọt, sốt cao kéo dài, chảy máu cam, xuất huyết, mất ngủ băng huyết và an thai [3], [11]. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu dược lý đã chỉ ra Hoàng cầm có tác dụng bảo vệ gan, kháng khuẩn, kháng virus, ức chế khối u, chống oxi hóa và bảo vệ thần kinh [11]. Mới đây, tác dụng trên tuyến giáp của Hoàng cầm đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy, Hoàng cầm là dược liệu hứa hẹn trong việc hỗ trợ điều trị cường giáp [6], [9]. Điều này có thể giải thích do thành phần hóa học chính của Hoàng cầm là flavonoid, đã được chứng minh có khả năng hoạt động như tác nhân kháng giáp, giúp cải thiện chức năng tuyến giáp. Bên cạnh đó, baicalein là một flavone chính trong rễ Hoàng cầm được báo cáo khả năng ức chế deiodinase D1 của tuyến giáp, giúp giảm nồng độ T3 trong huyết thanh, với IC50 là 11 μM [5].

Năm 2019, Kim và cộng sự [6] đã báo cáo tác dụng của dịch chiết ethanol 80% của rễ Hoàng cầm trên chuột được gây cường giáp bởi L-Thyroxine. Trong nghiên cứu này, chuột đực Wistar 6 tuần tuổi được nuôi theo điều kiện quy định, các lô thử được gây cường giáp bằng cách tiêm dưới da levothyroxine (LT4) với liều 0,3 mg/kg trong 14 ngày. Chuột được chia thành 5 nhóm: 1-nhóm tuyến giáp bình thường (nhóm bình thường); 2-nhóm gây cường giáp do tiêm LT4 (nhóm chứng cường giáp); 3-nhóm gây cường giáp và được điều trị bằng cách tiêm phúc mạc 10 mg/kg propylthiouracil (PTU); 4-nhóm gây cường giáp và được điều trị với 400 mg/kg cao chiết ethanol 80% của rễ Hoàng cầm (SB400); 5-nhóm gây cường giáp và được điều trị với 800 mg/kg cao chiết ethanol 80% của rễ Hoàng cầm (SB800). Cao chiết rễ Hoàng cầm được sử dụng bằng đường uống mỗi ngày một lần, liên tục trong 14 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 15 sau khi chuột bị gây cường giáp. Trọng lượng cơ thể của mỗi con chuột được đo khi bắt đầu và trước khi lấy mẫu cuối cùng. Tổng lượng thức ăn tiêu thụ được ghi lại mỗi ngày. Các thông số được dùng đánh giá là nhịp tim và độ bão hòa oxy; nồng độ hormone tuyến giáp T3, T4 và TSH; các thí nghiệm hóa sinh nhằm đánh giá tổng lượng cholesterol trong huyết thanh (TC), cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), triglyceride (TG), aspartate transaminase (AST), alanin nồng độ aminotransferase (ALT) và creatinine. Sau cùng, những con chuột được giải phẫu, đo trọng lượng của tuyến giáp và gan.

2020.12.Tran Thi Thuy LInh 01

(Nguồn http://www.epharmacognosy.com/)

Kết quả thí nghiệm cho thấy lượng thức ăn tăng lên đáng kể ở nhóm chứng cường giáp và nhóm SB400 nhưng không tăng ở nhóm SB800 và PTU. Trọng lượng cơ thể tăng lên rõ rệt, cùng với sự gia tăng lượng thức ăn của những con chuột trong nhóm chứng cường giáp. Về hormone giáp, cao chiết SB làm giảm đáng kể nồng độ T3 và T4 ở nhóm SB400 và SB800 so với nhóm đối chứng, đồng thời cho thấy tác dụng tương tự như nhóm PTU. Nồng độ T3 và T4 giảm, mức TSH tăng lên trong nhóm SB800 và PTU. Nhịp tim tăng lên ở nhóm chứng cường giáp biểu hiện trạng thái nhiễm độc giáp nhưng lại giảm ở nhóm SB400, SB800 và PTU. Dựa trên kết quả phân tích biểu hiện gen cho thấy SB và PTU ức chế hoạt động của deiodinase D1, dẫn đến giảm T3.

Như vậy, có thể nói dịch chiết Hoàng cầm (SB) có tác dụng ức chế hormone giáp, hoạt động của hệ adrenergic và chuyển hóa lipid ở chuột cường giáp. Tuy nhiên, việc sử dụng Hoàng cầm cho bệnh nhân cường giáp cần có thêm nghiên cứu lâm sàng và các nghiên cứu sâu hơn về cơ chế.

Trần Thị Thùy Linh

Tài liệu tham khảo

1. Bahn R. S. (2012), “Autoimmunity and Graves’ disease”, Clinical pharmacology and therapeutics, 91(4), 577-579.

2. Bochoráková Hana, Hana Paulová, Jiří Slanina, Pavel Musil and Eva Taborska (2003), “Main flavonoids in the root of Scutellaria baicalensis cultivated in Europe and their comparative antiradical properties”, Phytotherapy research : PTR, 17, 640-644.

3. Võ Văn Chi (2000), Dictionary of Vietnamese medicinal plants, Section I [in Vietnamese] Publishing House Medicine, Ho Chi Minh City.

4. Cooper D. S. (2005), “Antithyroid Drugs”, New England Journal of Medicine, 352(9), 905-917.

5. Ferreira A. C. F., P. C. Lisboa, K. J. Oliveira, L. P. Lima, I. A. Barros and D. P. Carvalho (2002), “Inhibition of thyroid type 1 deiodinase activity by flavonoids”, Food and Chemical Toxicology, 40(7), 913-917.

6. Kim Mia and Byung-Cheol Lee (2019), “Therapeutic Effect of Scutellaria baicalensis on L-Thyroxine-Induced Hyperthyroidism Rats”, Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, 2019, 3239649.

7. Kim Soon-il, K. Kang, Youngmi Kim, S. Lee, Byung-Cheol Lee, Young-Min Ahn, H. Doo and S. Ahn (2005), “The Clinical Effects of Ahnjeonbaekho-tang(AJBHT) on Graves’ Disease”, The Journal of Korean Medicine, 26(4), 122-129.

8. Lee B. C., S. I. Kang, Y. M. Ahn, H. K. Doo and S. Y. Ahn (2008), “An alternative therapy for graves’ disease: clinical effects and mechanisms of an herbal remedy”, Biol Pharm Bull, 31(4), 583-587.

9. Nagarathna P. K. M. and Deepak Jha (2013), “Study on antithyroid property of some herbal plants”, International Journal of Pharmaceutical Sciences Review and Research, 23, 203-211.

10. Shang Xiaofei, Xirui He, Xiaoying He, Maoxing Li, Ruxue Zhang, Pengcheng Fan, Quanlong Zhang and Zhengping Jia (2010), “The genus Scutellaria an ethnopharmacological and phytochemical review”, Journal of Ethnopharmacology, 128(2), 279-313.

11. Zhao Qing, Xiao-Ya Chen and Cathie Martin (2016), “Scutellaria baicalensis, the golden herb from the garden of Chinese medicinal plants”, Science bulletin, 61(18), 1391-1398.

Trả lời