Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa thuộc Đại học Stanford, Hoa Kỳ, cho thấy một số công đoạn chế biến gia vị tại Bangladesh đã sử dụng chì chromate – một loại phẩm màu trong công nghiệp – để nhuộm nghệ nhằm tạo ra màu vàng sáng ưa thích của món cà-ri và nhiều món ăn truyền thống khác, làm cho hàm lượng chì trong máu của người dân Bangladesh tăng cao [1].
Nguồn hình ảnh: Abir Abdullah/Asian Development Bank
Bangladesh là một trong các quốc gia Nam Á sử dụng nghệ làm gia vị một cách phổ biến và cũng là vùng trồng nghệ chủ yếu của thế giới. Nguyên cứu mới thực hiện tại Bangladesh bởi ĐH Stanford cho thấy nghệ ở đây đôi khi được pha trộn với hợp chất chứa chì. Mặc dù [nghệ] được xem là có tác dụng tăng cường sức khỏe và trị bệnh, nhưng [gia vị chứa nghệ bị nhuộm màu] có thể là nguồn gốc của hội chứng suy giảm nhận thức và những bệnh nghiêm trọng khác.
Chì từ lâu đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm bởi nó là chất độc mạnh đối với hệ thần kinh và được xem là không an toàn ở bất kỳ hàm lượng/ nồng độ nào. Một phân tích được công bố gần đây [2] cũng xác nhận rằng có thể nghệ là nguyên nhân chính liên quan đến nồng độ chì tăng cao trong số những người dân Bangladesh được khảo sát.
Jenna Forsyth – tác giả chính của nghiên cứu, thuộc ĐH Stanford – cho biết: “Người dân không biết rằng mình đang sử dụng một loại [gia vị] có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe”…”Chúng ta biết nghệ bị pha trộn là nguồn gây phơi nhiễm chì và chúng ta cần phải hành động”.
Vấn đề đã có từ lâu
Nghiên cứu đầu tiên được công bố online tại Environmental Research liên quan đến một loạt khảo sát khác nhau, trong đó có phỏng vấn nông dân và những người chế biến gia vị tại một số quận ở Bangladesh, họ là những người đã sản xuất gần một nửa sản lượng nghệ của Bangladesh. Vấn đề được truy nguyên từ những năm 1980, khi đó có một đợt lũ lớn làm ngập các nơi trồng nghệ và làm cho nghệ bị xỉn màu [do bị úng ngập]. Do yêu cầu về màu vàng sáng của cà-ri, các cơ sở sản xuất gia vị đã cho thêm chì chromate [PbCrO4] – một phẩm màu vàng đã từng được dùng trong công nghiệp để tạo màu cho đồ chơi và đồ gỗ. Thói quen này được duy trì từ đó bởi nó tạo ra màu sắc ưa chuộng với chi phí rất rẻ và nhanh chóng.
Chất độc mạnh đối với thần kinh
Là chất gây độc thần kinh rất mạnh, chì làm tăng nguy cơ về bệnh thần kinh và tim mạch ở người lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ em. Khoảng 90% trẻ em có nồng độ chì trong máu tăng cao sinh sống tại các nước có thu nhập thấp, hậu quả là làm thương tổn đến khả năng nhận thức, gây thiệt hại gần một nghìn tỉ đô-la mỗi năm do mất sức lao động.
Giáo sư Stephen Luby, giáo sư về y khoa, đồng tác giả của nghiên cứu và là giám đốc của chương trình Nghiên cứu “Stanford’s Center for Innovation in Global Health”, cho biết: “Không như các loại kim loại khác, không có giới hạn tiêu thụ an toàn nào đối với chì, xét ở bất kỳ phương diện nào thì nó vẫn là chất độc thần kinh”… “Chúng ta không thể tự an ủi với giả định rằng nếu mức nhiễm [chì] xuống thấp tới một ngưỡng nào đó thì nó sẽ an toàn”.
Nghiên cứu khác được công bố tại Environmental Science & Technology đã xem xét những nguồn khác nhau có thể là nguyên nhân làm tăng nồng độ chì trong máu của người dân Bangladesh. Chì có nhiều dạng khác nhau gọi là các đồng vị [các nguyên tử có cùng số proton nhưng khác nhau về số neutron trong hạt nhân], do nguồn gốc hình thành khác nhau, tỉ lệ của các đồng vị này là khác nhau. Nhà nghiên cứu có thể lần theo “dấu vân tay” này để xác định với khả năng cao rằng nghệ bị trộn chì chromate là “thủ phạm”, bằng cách so sánh với tỉ lệ đồng vị chì [có trong nghệ bị trộn chì chromate] với tỉ lệ đồng vị chì có trong máu của người thử. Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa chì trong nghệ và nồng độ chì trong máu.
Bên ngoài Bangladesh
Các nhà nghiên cứu không tìm kiếm bằng chứng trực tiếp về nghệ bị nhiễm chì ngoài Bangladesh, họ chỉ ra rằng việc kiểm soát an toàn thực phẩm bởi các nước nhập khẩu đã khuyến khích các cơ sở chế biến gia vị quy mô lớn ở Bangladesh hạn chế lượng chì thêm vào sản phẩm dùng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo “hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm định kỳ hiện nay chỉ có thể phát hiện một phần nhỏ nghệ bị pha trộn và được bán trên khắp thế giới”. Thực tế là từ 2011, hơn 15 nhãn hiệu nghệ phân phối tại các nước, trong đó có cả Hoa Kỳ, đã bị thu hồi do hàm lượng chì vượt ngưỡng.
Trong khi việc thu hồi và và các nghiên cứu trước đây cho thấy có chì trong nghệ, không có thông báo nào chỉ rõ nguồn gốc của việc nhiễm chì (có một vài gợi ý rằng có thể liên quan đến ô nhiễm đất), hay chứng minh mối liên hệ với nồng độ chì trong máu cũng như chỉ ra mức độ phổ biến và động cơ khiến cho vấn đề này kéo dài.
Hướng đến giải pháp
Từ năm 2014, các tác giả Forsyth, Luby và Scott Fendorf thuộc ĐH Stanford đã làm việc ở nông thôn Bangladesh nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm chì. Họ đã tiến hành khảo sát trong cộng đồng và nhận thấy hơn 30% phụ nữ mang thai có nồng độ chì trong máu tăng cao. Từ đó, các nhà khoa học lên kế hoạch tập trung vào việc thay đổi hành vi tiêu dùng nhằm tránh sử dụng nghệ nhiễm chì và làm hạn chế động cơ của thói quen nhuộm nghệ. Công nghệ sấy khô nghệ hiệu quả và hiệu suất cao hơn cũng được đề xuất. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu khuyến cáo cán bộ thanh tra hàng nhập khẩu nên sàng lọc nghệ với máy X-quang có thể phát hiện chì và những kim loại khác.
Dù tại Bangladesh đã có sẵn một số giải pháp với chi phí thấp, các nhà nghiên cứu cho rằng việc kêu gọi người tiêu dùng, các nhà sản xuất và nhà đầu tư tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng sẽ thúc đẩy các giải pháp mang tính căn cơ.
Bên cạnh việc tìm kiếm các phương pháp nhằm hạn chế sự phơi nhiễm chì từ nghệ, tái chế pin và những nguồn khác tại Bangladesh, nhóm nghiên cứu cũng có kế hoạch phát triển cơ hội kinh doanh, chẳng hạn công nghệ nhằm định lượng chì có trong nghệ, nồng độ chì trong máu v.v., hoặc nghiên cứu nhằm thay đổi nhu cầu và tạo cơ hội kinh doanh cho nghệ không chứa chì.
Lược dịch
Võ Quốc Hùng
Nguồn:
Rob Jordan (2019) “Stanford researchers find lead in turmeric”, Stanford News Service, đăng ngày 24/09/2019 tại https://news.stanford.edu (Truy cập ngày 25/09/2019).
Tài liệu tham khảo
[1] Turmeric means “yellow” in Bengali: Lead chromate pigments added to turmeric threaten public health across Bangladesh (https://doi.org/10.1016/j.envres.2019.108722) [2] Sources of Blood Lead Exposure in Rural Bangladesh (https://pubs.acs.org/doi/abs/10.1021/acs.est.9b00744)Ghi chú:
Các chú thích trong ngoặc [ ] là bởi Người dịch
Nội dung của bài viết được lược dịch từ bài viết gốc và không phản ánh quan điểm của Người dịch, cũng như của Ban biên tập trang Web.
Mọi chi tiết liên quan, quý độc giả vui lòng xem bài viết gốc tại: https://news.stanford.edu/press/view/30218
- 6 loại thảo dược có khả năng gây tổn thương gan
- Tirzepatide giúp cải thiện tình trạng suy tim phân suất tống máu bảo tồn trên bệnh nhân béo phì
- FDA chấp thuận Ebglyss (Lebrikizumab) điều trị viêm da dị ứng
- Bệnh Alzheimer: Các loại thuốc mới được chấp thuận trên lâm sàng có tạo ra sự khác biệt thực sự không?
- FDA chấp thuận vắc-xin cúm dạng xịt mũi đầu tiên sử dụng tại nhà
- Tổn thương gan do thuốc
- Bốn hợp chất phenolic mới từ quả của loài Alpinia galanga
- Tác dụng kháng virus của gamma-mangostin
- Chế độ ăn Keto có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ quan
- Một số điểm mới trong quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 17/11/2023
- Si rô ngô giàu fructose thúc đẩy sự phát triển khối u đường ruột ở chuột
- FDA cấp phép phê duyệt nhanh AMTAGVI điều trị ung thư hắc tố da
- WAINUA – THUỐC MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA THẦN KINH TÍCH TỤ AMYLOID DO ĐỘT BIẾN GEN
- CẬP NHẬT HƯỚNG DẪN CỦA IDSA VỀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN DO ACINETOBACTER BAUMANNII KHÁNG CARBAPENEM NĂM 2023
- Làm việc vào ban đêm, buồn ngủ và sử dụng thuốc Modafinil
- FDA chấp thuận Vegzelma trong điều trị ung thư