Tác dụng chống oxy hóa của curcuminoid đối với bệnh nhân đái tháo đường type II: nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên

Tổng quan: Stress oxy hóa là nguyên nhân quan trọng gây bệnh đái tháo đường Type II (Type II Diabetes Mellitus – T2DM) và làm nặng hơn các biến chứng trên mạch máu. Việc sử dụng các chất chống oxy hoá trong hỗ trợ điều trị đang là một cách tiếp cận tiềm năng giúp làm chậm tiến triển bệnh T2DM. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả việc sử dụng curcuminoid (các polyphenolic tự nhiên từ Nghệ) trên những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường thông qua các chỉ số oxy hoá.

Phương pháp: Nghiên cứu ngẫu nhiên được tiến hành theo phương pháp mù đôi với nhóm chứng sử dụng giả dược. Cụ thể, 118 bệnh nhân T2DM được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm: nhóm sử dụng curcuminoid (với liều 1000 mg curcuminoid +10 mg piperine/ngày) và nhóm sử dụng giả dược, thời gian theo dõi trong vòng 8 tuần. Tiến hành lấy máu xác định dung lượng chống oxy hoá toàn phần trong huyết thanh, hoạt tính của superoxide dismutase (SOD) và nồng độ malondialdehyde (MDA) ở thời điểm trước và sau khi dùng thuốc.

Kết quả và bàn luận: Nhóm sử dụng curcuminoid tăng đáng kể dung lượng chống oxy hoá toàn phần (Total Antioxidant Capacity – TAC) (p

Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc bổ sung curcuminoid với liều 1000 mg/ngày trong thời gian 3 tháng, có thể làm giảm đáng kể MDA huyết thanh, tăng TAC và hoạt tính của SOD ở bệnh nhân T2DM.

Sự rối loạn chuyển hóa lipid và carbohydrate trong bệnh T2DM dẫn đến stress oxy hoá, một yếu tố bất lợi góp phần làm xuất hiện các biến chứng có hại trên mạch máu của người bệnh T2DM (Chait và Bornfeldt 2009, Palanisamy và cộng sự 2011). Tăng đường huyết làm tăng sản xuất ROS và gây gãy mạch ở các DNA dạng chuỗi đơn (Giacco và Brownlee 2010, Johansen và cộng sự, 2005). Stress oxy hóa có thể làm giảm chức năng của tế bào β, góp phần vào sự hình thành bệnh T2DM, đồng thời làm tăng nguy cơ ngộ độc glucose và ngộ độc lipid ở những người bệnh tiểu đường (Giacco và Brownlee 2010, Johansen và cộng sự 2005, Rother 2007). Có nghiên cứu cho thấy việc giảm biểu hiện của các enzyme chống oxy hóa ở tế bào β đảo tụy làm cho các tế bào này nhạy cảm với hơn với ROS (Poitout và Robertson 2008). Brownlee đã chứng minh sự tích lũy diacylglycerol làm hoạt hóa protein kinase C trong tế bào mạch máu và sự sản sinh các sản phẩm glycat hóa bền vững (Advanced Glycation End Products – AGEs), là những nguyên nhân chủ yếu gây tăng các chất oxi hóa, nitro hóa, giải phóng các dạng oxy và nitơ hoạt động khi bị tăng đường huyết (Brownlee 2001). Nghiên cứa của Vikramadithyan và cộng sự cũng cho thấy lượng glucose tăng thông qua con đường khử hóa aldose có vai trò quan trọng trong quá trình trên (Vikramadithyan và cộng sự 2005). Tăng glucose nội bào gây tăng oxy hóa glucose và tăng lượng NADH và FADH2 đi vào chuỗi vận chuyển điện tử của ty thể, làm tích lũy electron trong coenzyme Q dẫn đến sự hình thành các gốc tự do superoxide (Giacco và Brownlee 2010). Bên cạnh tăng hình thành ROS, có rất nhiều bằng chứng cho thấy ở người tiểu đường còn bị suy giảm hệ thống phòng chống các chất chống oxy hoá của cơ thể (Bajaj and Khan 2012).

Do đó, liệu pháp chống oxy hóa đã được khuyến cáo là cách tiếp cận hữu hiệu để ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường và các bệnh liên quan. Các tổn thương do sự oxy hoá gây ra ở bệnh nhân tiểu đường có thể được cải thiện nhờ các chất chống oxy hoá. Acid ascorbic, N-acetylcystein và acid α-lipoic đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường (Bajaj and Khan 2012).

Curcuminoid là chất chống oxy hoá tự nhiên, có tác dụng trung hòa các gốc tự do và tăng cường các hệ thống phòng chống oxy hóa của cơ thể (Maheshwari và cộng sự 2006, Sahebkar và cộng sự 2013). Curcuminoid chống oxy hóa theo cơ chế bẻ gãy chuỗi phản ứng, khả năng trung hòa các gốc tự do của curcuminoid chủ yếu là nhờ nhóm chức hydroxyl phenolic. Curcuminoid có thể làm giảm nồng độ nitric oxide (NO) trong máu và ngăn cản các chất trung gian phản ứng sinh ra NO (Amin và Bano 2012). Hơn nữa, curcuminod cạnh tranh tạo phức chelate với các kim loại có hoạt tính oxy hóa khử và ức chế phản ứng dây chuyền tạo ra các gốc tự do ion kim loại (Baum và Ng 2004). Tác dụng ức chế các phản ứng dây chuyền trên của curcuminoid được cho là do hoạt động của nhóm α-β diceton chưa bão hòa.

Mặc dù dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh tiểu đường còn hạn chế, nhưng tác dụng chống oxy của curcuminoid đã được báo cáo trong nhiều bệnh khác có liên quan chặt chẽ với T2DM. Trong một thử nghiệm chéo, thực hiện sử dụng curcuminoid-piperine trong 30 ngày với liều tương tự trong nghiên cứu này, kết quả cho thấy đã làm giảm đáng kể chỉ số cân bằng giữa tiền chất oxy hóa và chất chống oxy hoá (chỉ số đại diện cho tình trạng stress oxy hóa tổng thể) ở người béo phì. Trong một nghiên cứu khác ở những bệnh nhân có hội chứng chuyển hoá, bổ sung curcuminoid trong 8 tuần với liều và công thức tương tự như trong nghiên cứu này đã cải thiện hoạt tính SOD trong huyết thanh và giảm nồng độ MDA (Panahi và cộng sự 2015). Ngoài ra còn có nhiều công bố cho thấy sự cải thiện các chỉ số oxy hoá khi dùng curcuminoid ở các bệnh nhân viêm khớp gối, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Panahi và cộng sự 2016), người tiếp xúc với arsenic, cũng như ở người khỏe mạnh.

Curcuminoid có sinh khả dụng đường uống thấp nên chưa được dùng phổ biến trong lâm sàng, curcuminoid chuyển hóa nhanh chóng ở gan và ruột chủ yếu thành dạng glucuronide (Anand và cộng sự, 2007). Để khắc phục hạn chế trên, trong nghiên cứu này đã kết hợp curcuminoid với piperine. Piperine là một alkaloid được chiết xuất từ các loài tiêu (Piper) có tác dụng tăng cường hấp thu curcuminoid thông qua việc ngăn glucuronid hóa ở gan và ruột. Tính hiệu quả và an toàn của kết hợp curcuminoid- piperine đã được chứng minh trong một số nghiên cứu trước đây (Esmaily và cộng sự 2015).

Kết luận: Kết quả của nghiên cứu này đã củng cố thêm tác dụng chống oxy hóa của việc bổ sung curcumin ở bệnh nhân bị đái tháo đường type II và có tiềm năng cho các nghiên cứu tiếp theo để đánh giá những tác dụng chống oxy hóa này trên các trường hợp biến chứng đái tháo đường và bệnh tim mạch.

 

Lược dịch

Lường Văn Dũng

Tài liệu tham khảo:

Yunes Panahi et al. (2017), Antioxidant effects of curcuminoids in patients with type 2 diabetes mellitus: a randomized controlled trial, Inflammopharmacology, 25(1), pp. 25-31.

 

 

 

 

 

Trả lời