Xây dựng và thẩm định công cụ Vi – Med® hỗ trợ xem xét sử dụng thuốc tại bệnh viện

 Hoàng Trà Linh1, Võ Thị Hà 2,3

1. Khoa Dược, BV Vinmec Đà Nẵng

2. Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Huế

3. Khoa Dược, BV Đại học Y Dược Huế

Mục tiêu: Một trong những lý do khiến cho xem xét sử dụng thuốc (XXSDT) không được tiến hành thường xuyên bởi dược sĩ lâm sàng tại Việt Nam là do thiếu công cụ hỗ trợ. Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng và thẩm định công cụ hỗ trợ XXSDT tại các bệnh viện Việt Nam.

Phương pháp: Nhóm chuyên gia gồm 6 dược sĩ lâm sàng từ 6 bệnh viện đã sử dụng bộ công cụ Vi – Med® gồm 3 biểu mẫu: Mẫu 1 để Thu thập thông tin bệnh nhân, Mẫu 2 để Phân tích sử dụng thuốc và Mẫu 3 để lưu Can thiệp dược (CTD). Bộ công cụ xây dựng phân loại các vấn đề sử dụng thuốc (VĐSDT) thành 8 loại và CTD thành 7 loại. Nhóm chuyên gia được yêu cầu phân loại một cách độc lập 30 tình huống can thiệp dược theo loại VĐSDT và loại CTD thích hợp. Mức độ đồng thuận giữa 6 dược sĩ được đánh giá bằng tỉ lệ phần trăm đồng thuận (%) và chỉ số Cohen’s Kappa (κ). Mức độ hài lòng cũng được đánh giá bằng thang đo Likert 4 điểm.

Kết quả: Mức độ đồng thuận khi phân loại VĐSDT là “Tốt” (80.4% đồng thuận và κ = 0.76) và đối với phân loại CTD là “Gần như hoàn hảo” (87.6% đồng thuận và κ = 0.83). Tất cả 6 dược sĩ đều đánh giá là “Hài lòng” hoặc “Rất hài lòng” với bộ công cụ và “Có thể” hoặc “Chắc chắn” sử dụng công cụ cho thực hành lâm sàng tại bệnh viện mình.

Kết luận: Mức độ đồng thuận tốt và mức độ hài lòng cao với bộ công cụ Vi-Med® cho phép công cụ này được sử dụng trong thực hành lâm sàng hằng ngày. Đây là công cụ đầu tiên hỗ trợ XXSDT tại bệnh viện Việt Nam đã được thẩm định.

Từ khóa: công cụ xem xét sử dụng thuốc, can thiệp dược

Link tải công cụ: Download

Công cụ Vi-Med được thiết kế bởi nhóm nghiên cứu DS. Hoàng Trà Linh, TS.DS. Võ Thị Hà. Mọi thông tin thêm xin liên hệ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

 

 

Trả lời