Xu hướng phát triển thuốc điều trị bệnh ung thư

 

Trong những năm gần đây, số lượng thuốc điều trị ung thư được chấp thuận cùng những phương pháp điều trị ung thư mới đã mang đến nhiều sự lựa chọn hơn và tối ưu hóa lợi ích hơn cho bệnh nhân, mở ra cơ hội điều trị, nâng cao chất lượng sống và thời gian sống cho bệnh nhân mắc ung thư. Từ năm 2014 đến 2018, 57 loại thuốc điều trị ung thư mới được đưa ra thị trường với 89 chỉ định cho 23 loại ung thư khác nhau. Trong đó, có 12 chỉ định mới cho ung thư phổi và 7 chỉ định mới cho ung thư vú. Đặc biệt, các thuốc mới này chủ yếu là các thuốc thuộc nhóm điều trị đích và hơn một nửa trong số đó được đưa vào cơ thể bằng đường uống [1]. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho bệnh nhân trong việc sử dụng thuốc.

Sự chấp thuận liệu pháp bất khả tri ung thư (cancer-agnostic therapeutic)- là một liệu pháp thông qua các dấu ấn sinh học để điều trị ung thư dựa vào đặc điểm di truyền và phân tử, đã mở ra một hướng mới trong điều trị ung thư. Hiện tại, pembrolizumab (2017) và larotrectinib (2018) là 2 thuốc được sử dụng trong liệu pháp này. Bên cạnh đó, liệu pháp miễn dịch đã trở thành liệu pháp điều trị đầu tay cho bệnh nhân mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (metastatic non-small cell lung cancer), ung thư hắc sắc tố (metastatic melanoma), ung thư tế bào thận (metastatic renal cell carcinoma) tại Mỹ [1]. Năm 2015, có đến 19 thuốc điều trị miễn dịch chủ yếu thông qua đích tác động là Programmed Cell Death Protein 1 (PD-1 – thụ cảm thể có mặt trên các tế bào miễn dịch như tế bào T, tế bào B, tế bào giết tự nhiên (Natural Killer), đại thực bào) và Programmed Cell Death Ligand 1 (PD-L1 – protein xuyên màng có mặt tại màng tế bào ung thư) đang được nghiên cứu. Riêng trong năm 2018, đã có 3 hoạt chất điều trị miễn dịch được đưa ra thị trường bao gồm: Cemiplimab, Mogamulizumab và Moxetumomab [1].

Xu hướng điều trị ung thư trong tương lai sẽ tập trung vào các liệu pháp miễn dịch, điều trị đích và cá nhân hóa điều trị. Bên cạnh đó, liệu pháp điều trị phối hợp giữa hóa trị liệu và điều trị miễn dịch cũng là hướng điều trị cho thấy nhiều kết quả khả quan trong điều trị một số bệnh ung thư [3].

Theo dự đoán của IQVIA, trong giai đoạn đến năm 2023, nhóm thuốc ung thư vẫn sẽ là nhóm thuốc có chi phí sử dụng và số lượng thuốc mới đưa ra thị trường cao nhất. Trong giai đoạn 2018-2023, dự đoán sẽ có 70-90 thuốc điều trị ung thư được đưa ra thị trường, nhiều hơn so với giai đoạn 5 năm trước (2014-2018). Số lượng các thuốc điều trị đích trong tương lai vẫn sẽ có xu hướng tăng nhanh. Liệu pháp sinh học thế hệ mới (Next-Generation Biotherapeutics) được đẩy mạnh nghiên cứu trên lâm sàng [2]. Các dấu ấn sinh học được sử dụng trong điều trị ung thư sẽ tiếp tục được khám phá. Liệu pháp miễn dịch với hơn 60 cơ chế tác động sẽ được tăng cường nghiên cứu, phát triển công thức (ví dụ: đường uống) hoặc kết hợp với thuốc điều trị đích, đặc biệt khi chất ức chế liên kết trục PD1/PD-L1 vẫn được xem là chất điều trị miễn dịch hiệu quả nhất [1].

Tổng hợp 

ThS.DS. Lưu Nguyễn Nguyệt Trâm, DS. Phạm Thị Vân Khánh

Tài liệu tham khảo

  1. IQVIA Institute (2019), Global Oncology Trends 2019. 21
  2. IQVIA Institute (2019), The Global Use of Medicine in 2019 and Outlook to 2023 22
  3. L. Wilson, M. Plebanski & A. N. Stephens (2018), New Trends in Anti-Cancer Therapy: Combining Conventional Chemotherapeutics with Novel Immunomodulators, Curr Med Chem, 25 (36), pp 4758-4784 35

 

Trả lời