Thiên lệch trong công bố khoa học và ảnh hưởng của nó đến việc công bố kết quả nghiên cứu

Trong một nhà tù giữa sa mạc, một tù nhân lâu năm kết bạn với một người mới đến. Tù nhân trẻ luôn miệng nói với ông về kế hoạch đào thoát và luôn quay cuồng với việc lên kế hoạch. Sau vài tháng, tù nhân trẻ quyết định vượt ngục. Trốn đi được một tuần, anh bị bắt trở lại trong trạng thái tơi tả và đói khát. Anh kể lể với người bạn già về nỗi kinh hoàng ở bên ngoài với bãi cát mênh mông không một bóng cây và luôn thất bại ở mọi lúc. Tù nhân già lắng nghe một lúc rồi nói: “Ừ, biết rồi, tôi thử vượt ngục nhiều lần rồi, hơn 20 năm trước”. Tù nhân trẻ sửng sốt: “Ông thử rồi? Sao không nói cho tôi biết?”. Tù nhân già nhún vai trả lời: “Ai mà lại đi công bố kết quả âm tính bao giờ!”

Câu chuyện ngụ ngôn nói trên minh họa cho một căn bệnh có tính lây lan trong các tài liệu khoa học: Sự thiên lệch trong công bố và báo cáo (Publication and reporting bias).

Sự thiên lệch (hay thiên vị) trong công bố nói về việc các tác giả thường có xu hướng gửi đăng và biên tập viên của các tạp chí cũng có xu hướng nhận đăng các nghiên cứu kết quả “dương tính”, tức là tìm ra một điều gì đó có ý nghĩa, có tác dụng, có hiệu quả, có hại, v.v. Từ đó, những kết quả âm tính cho dù là quan trọng (chẳng hạn: “nghiên cứu cho thấy phương pháp điều trị mới không có hiệu quả”) có thể không bao giờ được đa số cộng đồng khoa học biết đến.

2018.06.03.Vo Quoc Hung

Thiên lệch trong công bố khoa học

(Ảnh minh họa: Việc rút bớt dữ liệu nghiên cứu, một trong những nguyên nhân gây ra thiên lệch trong báo cáo khoa học).

Nguồn: http://ds-wordpress.haverford.edu

Sự thiên lệch về công bố các nghiên cứu dương tính chỉ là một trong rất nhiều dạng khác nhau liên quan đến thiên lệch trong khoa học. Nếu là một người chuẩn bị đề cương nghiên cứu hoặc viết bài báo công bố nghiên cứu, việc hiểu rõ về sự thiên lệch trong khoa học có tầm quan trọng lớn do nó quyết định đến việc có công bố kết quả hay không. Vì vậy, bài viết sẽ đề cập đến các khía cạnh cần tìm hiểu trong vấn đề này, gồm có:

  • Nguyên nhân gây ra thiên lệch.
  • Các loại thiên lệch, ảnh hưởng của chúng đến quyết định công bố và hướng xử lý.
  • Sự cần thiết của việc đấu tranh chống lại sự thiên lệch trong công bố.

A. Nguyên nhân gây ra thiên lệch

Có khá nhiều yếu tố có thể gây ra thiên lệch, dưới đây là một số ví dụ:

  1. Nhiều nghiên cứu chưa được công bố vì nhà nghiên cứu không gửi đăng, nghĩ rằng tạp chí sẽ từ chối do không có kết quả tốt hay có ý nghĩa.
  2. Tạp chí có thể bị thiên lệch đối với kết quả nghiên cứu dương tính, do kết quả âm tính thường ít được trích dẫn và do đó làm hạ thấp chỉ số ảnh hưởng của tạp chí (Impact factor, IF).
  3. Các nhà tài trợ cho nghiên cứu hay các nguồn tài trợ có thể nghiêng về kết quả nghiên cứu mà họ mong muốn. Người ta đã nhận thấy rằng các nhà tài trợ là doanh nghiệp có thể giữ kín kết quả nghiên cứu không mong muốn, dẫn đến việc công bố kết quả dương tính cao hơn nhiều so với đề tài được tài trợ hay thực hiện bởi các cơ quan độc lập.

B. Các loại thiên lệch và hướng giải quyết

Bảng dưới đây liệt kê các loại thiên lệch đã tìm thấy trong các công bố khoa học, đồng thời nêu một số gợi ý để giải quyết trong quá trình gửi đăng bài (trong trường hợp kết quả nghiên cứu là âm tính). Cách tốt nhất là chỉ ra những vấn đề này một cách trực tiếp, có thể thông qua bàn luận về tầm quan trọng của nghiên cứu trong cover letter gửi biên tập viên của tạp chí. 

Loại thiên lệch

Ý nghĩa/ Mô tả

Cách giải quyết/ nhận biết

Publication bias

Thiên lệch về công bố. Nghiên cứu có kết quả dương tính thường dễ được nhận đăng hơn nghiên cứu có kết quả âm tính

Mô tả vấn đề cụ thể mà kết quả nghiên cứu sẽ hướng đến. Chỉ ra rằng kết quả âm tính giúp đấu tranh chống lại thiên lệch (hiện nay đã có những tạp chí chuyên đăng kết quả âm tính [1]), đặc biệt nêu rõ những quan niệm hay quan điểm mà nghiên cứu có khả năng làm thay đổi mạnh mẽ.

Time lag bias

Thiên lệch về thời gian. Nghiên cứu cho kết quả dương tính thường được xuất bản nhanh hơn âm tính.

Nêu rõ tại sao nghiên cứu cần được xuất bản sớm, ví dụ: kết quả có thể khẳng định cần dừng ngay các thử nghiệm tiếp theo, hoặc có thể ảnh hưởng đến cách tiến hành một việc gì đó trong thực tiễn.

Multiple publication bias

Thiên lệch theo nhóm kết quả. Loại này thường sinh ra từ một nhóm các kết quả nghiên cứu dương tính hơn là nhóm kết quả âm tính.

Nếu đã xuất bản một bài báo thảo luận về một nhóm kết quả dương tính thì không nên xuất bản bài báo khác sử dụng cùng nhóm kết quả này (trừ khi sử dụng phép phân tích hoặc quan điểm hoàn toàn khác; luôn luôn tham khảo đến bài báo đầu tiên).

Location bias

Thiên lệch về nơi xuất bản. Nghiên cứu cho kết quả dương tính có cơ hội đăng tải cao hơn vào các báo có IF cao, khả năng lan truyền rộng.

Thứ nhất, không nên e ngại việc gửi bài đăng vào tạp chí có IF cao. Thiên lệch xảy ra do các tác giả chỉ gửi kết quả âm tính cho các tạp chí có IF thấp, mà việc này cũng không có nhiều tác dụng do các tạp chí có xu hướng từ chối đăng các kết quả này.

Thứ hai, khi gửi bài cho tạp chí có IF cao cần giải thích tại sao bài báo phù hợp với sứ mạng và nhóm người đọc mục tiêu của tạp chí, chỉ ra kết quả đó sẽ thách thức kiến thức hiện hành như thế nào, tại sao kết quả âm tính lại quan trọng và cần được phổ biến rộng rãi cho người đọc.

Citation bias

Thiên lệch về trích dẫn. Người nghiên cứu thường muốn trích dẫn các nghiên cứu khác với kết quả dương tính.

Khi tìm thấy tài liệu tham khảo cho kết quả âm tính liên quan đến nghiên cứu của mình thì cần trích dẫn vào bài báo đang viết. Người viết không nên chỉ trích dẫn những nghiên cứu dương tính và phù hợp với kết quả nghiên cứu của mình, bởi vì việc này làm cho các reviewer nghi ngờ bài viết bị thiên lệch.

Language bias

Thiên lệch về ngôn ngữ. Nghiên cứu có kết quả dương tính thường được đăng trên tạp chí bằng tiếng Anh.

Mô tả kết quả của nghiên cứu có liên quan đến cộng đồng như thế nào, cho nên cần đăng trên tạp chí quốc tế có khả năng tiếp cận đến đông đảo bạn đọc.

Outcome reporting bias

Thiên lệch về chọn kết quả được báo cáo. Với một nghiên cứu có nhiều kết quả khác nhau, người nghiên cứu thường có xu hướng công bố kết quả dương tính hơn các kết quả âm tính.

Báo cáo tất cả kết quả liên quan đến nghiên cứu dù là âm tính hay dương tính.

Confirmatory bias

Thiên lệch về xác tín. Kết quả nào phù hợp với niềm tin hay giả thuyết của phản biện viên hay biên tập viên tạp chí thường được ủng hộ và chấp nhận đăng.

So sánh nghiên cứu hiện tại với các báo cáo trước đó trên tạp chí. Giải thích rằng kết quả của nghiên cứu có thể trái ngược với niềm tin của đại đa số. Nhấn mạnh kết quả này có thể chỉ ra một vấn đề hoặc thay đổi những quan niệm hiện thời.

Funding bias

Thiên lệch do tài trợ. Kết luận của nghiên cứu thường nghiên về phía có lợi cho nhà tài trợ của sản phẩm. Kết quả nào đi ngược lại mong muốn của nhà tài trợ không bao giờ được xuất bản.

Đảm bảo rằng nhà tài trợ không gây ảnh hưởng đến quyết định của nghiên cứu viên trong quá trình nghiên cứu. Người thực hiện nghiên cứu cần tiếp cận toàn bộ dữ liệu nghiên cứu, phân tích và chọn phương pháp nghiên cứu một cách độc lập và có tiếng nói quyết định trong việc chuẩn bị và gửi đăng bản thảo. Luôn nêu rõ nguồn tài trợ và các xung đột lợi ích nếu có. Bản thảo nêu rõ nguồn tài trợ thường được chấp nhận đăng hơn các bài khác không có mục này.

[1] Ví dụ: “Journal of Negative Results in Biomedicine” là một tạp chí peer-reviewed nằm trong danh mục ESCI, SCOPUS, v.v. 

C. Tại sao cần tích cực đấu tranh chống lại thiên lệch

Thiên lệch trong công bố và báo cáo sẽ hủy hoại ý nghĩa của việc nghiên cứu. Bằng cách nhấn mạnh vào các công bố với kết quả dương tính, những thiên lệch này tạo thành một cơ sở toàn văn “thiếu tính đại diện một cách hệ thống” và dẫn đến “sự thỏa hiệp trong tính khách quan khoa học”.

Điều này gây ra những hệ lụy nguy hiểm, chẳng hạn các phương pháp điều trị không hiệu quả hoặc nguy hiểm, kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân và lãng phí các nguồn lực.

Đấu tranh với thiên lệch trong công bố là góp phần vào duy trì tính khách quan trung thực trong dữ liệu khoa học. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc gửi đăng những phương pháp nghiên cứu không thu được kết quả nghiên cứu mong đợi, qua việc nhấn mạnh sự cần thiết phải công bố cả kết quả dương tính và âm tính, thực hiện phản biện một cách khách quan và không định kiến; không chấp nhận việc nhà tài trợ muốn gây ảnh hưởng lên phương pháp, báo cáo kết quả hay quyết định công bố.

Nỗ lực đồng thời trên nhiều mặt sẽ đảm bảo kết quả công bố mang tính đại diện hơn và giúp duy trì sự khách quan trung thực trong dữ liệu khoa học.

Tác động của thiên lệch trong công bố đến dữ liệu khoa học

Tác động đến sức khỏe cộng đồng

a.      Kết quả nghiên cứu dương tính có thể thống trị dữ liệu công bố.

b.      Do kết quả âm tính ít được công bố hơn, có thể hiệu quả của phương pháp điều trị mới, chính sách xã hội hay thiết bị mới được đánh giá cao quá mức, và ngược lại, đánh giá quá thấp nguy cơ hay bất lợi.

c.      Nếu nghiên cứu chỉ ra phương pháp điều trị là có hại thì có thể không bao giờ được công bố.

a.      Năm 1980, các nhà nghiên cứu nhận thấy tỉ lệ tử vong trong số bệnh nhân được điều trị với thuốc điều trị loạn nhịp thế hệ 1 không được báo cáo. Sau đó, những thuốc này đã cho thấy thực sự làm tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh tim. Năm 1993, các nhà khoa học thừa nhận việc không công bố này là “một ví dụ điển hình của thiên lệch trong công bố”, và nếu điều này được báo cáo 13 năm trước thì họ có thể cứu sống nhiều người [2] [3].

b.      Khi tổng hợp lại các nghiên cứu thực nghiệm xác định tác dụng có hại của việc sử dụng điện thoại di động đối với sức khỏe, người ta nhận thấy nghiên cứu được tài trợ bởi các công ty là ít có khả năng báo cáo kết quả dương tính nhất (nghĩa là ít nghiên cứu nào báo cáo kết quả rằng: sử dụng điện thoại gây tác động xấu đến sức khỏe người dùng, nếu những nghiên cứu này được các công ty tài trợ kinh phí [ND]).

[2] Song F, Parekh S, Hooper L, Loke YK, Ryder J, Sutton AJ, et al (2010). Dissemination and publication of research findings: An updated review of related biases. Health Technology Assessment, 14(8): iii,ix–xi.

[3] Editorial: Dealing with biased reporting of the available evidence. The James Lind Library. [Accessed: June 14, 2011] Available from: www.jameslindlibrary.org

[ND] Chú thích của người dịch.

 

Võ Quốc Hùng

(Nguồn: https://www.editage.com/insights/publication-and-reporting-biases-and-how-they-impact-publication-of-research)

 

Trả lời