Kỹ thuật dấu vân tay – Giải pháp kiểm soát chất lượng dược liệu

Trong sự phát triển về kinh tế – xã hội và khoa học kỹ thuật, nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của con người ngày càng được chú trọng. Đòi hỏi của xã hội đối với ngành dược không chỉ là cung cấp đủ thuốc mà còn là chất lượng thuốc ngày càng nâng cao, đáp ứng được tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới: An toàn, hiệu quả và chất lượng.

Trên thế giới, xu hướng sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên trong phòng và chữa bệnh ngày càng tăng. Tuy nhiên đòi hỏi về chất lượng thuốc này ngày càng cao, tiến dần tới tiêu chuẩn chung của thuốc y học hiện đại. Thuốc có nguồn gốc tự nhiên phải an toàn, có hiệu quả trị liệu, có chất lượng ổn định và kiểm soát được các dạng dùng tiện lợi.

Nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc phong phú, trong đó có nhiều bài thuốc hay, cây thuốc có giá trị. Để sản xuất được thuốc có hiệu quả điều trị và chất lượng ổn định, đòi hỏi đầu tiên là nguyên liệu phải đạt tiêu chuẩn. Việc tiêu chuẩn hóa dược liệu có thể dùng nhiều phương pháp như phương pháp cảm quan, phương pháp hiển vi, phương pháp định tính bằng phản ứng hóa học hay bằng sắc ký lớp mỏng, các phương pháp định lượng. Ngày nay, kỹ thuật phân tích vân tay được xem là phương pháp phân tích hiệu quả nhất để kiểm soát chất lượng dược liệu.

Kỹ thuật phân tích vân tay là quá trình xác định nồng độ của các hợp chất hóa học đặc trưng của một loại thảo dược. Các thông tin về sắc ký và ADN của dược liệu được dùng trong kỹ thuật vân tay. Có nhiều phương pháp ghi nhận “dấu vân tay”:

– Sắc ký dấu vân tay (chromatographic fingerprinting): Sắc ký lớp mỏng, sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao, sắc ký lỏng hiệu năng cao, sắc ký khí…

Sắc ký dấu vân tay của một dược liệu được định nghĩa là sắc ký đồ của dịch chiết dược liệu chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học và đặc điểm hóa học đặc trưng. Các chất này sẽ là đặc điểm để nhận biết loài dược liệu này.

2018.07.06.Ky thuat dau van tay 1

Hình 1: Sắc ký dấu vân tay

– Dấu vân tay DNA (DNA fingerprinting): PCR,…

Dấu vân tay DNA là tập hợp các dữ liệu về DNA của loài dược liệu nghiên cứu, các dữ liệu này góp phần định danh chính xác loài nghiên cứu.

2018.07.06.Ky thuat dau van tay 2

2018.07.06.Ky thuat dau van tay 2 2

Hình 2: Quá trình xử lý mẫu để xác định dấu vân tay DNA

Như vậy, bằng kỹ thuật dấu vân tay, chất lượng của dược liệu được kiểm soát một cách chặt chẽ và có khoa học. Phương pháp có độ chính xác và độ tin tưởng cao. Các nghiên cứu trong những năm gần đây đều hướng đến thiết lập hồ sơ dấu vân tay của các loại dược liệu có hoạt tính sinh học tốt, dùng làm cơ sở cho việc tiêu chuẩn hóa dược liệu sau này.

Ví dụ: Có thể xác định nguồn gốc của hoạt chất trong sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu bằng kỹ thuật dấu vân tay được trình bày như hình bên dưới.

2018.07.06.Ky thuat dau van tay 3

Hình 3: Ví dụ về kỹ thuật dấu vân tay

Tổng hợp

Nguyễn Khánh Thùy Linh

 

Tài liệu tham khảo

1. Kirti M. Kulkarni, Leena S. Patil, Mrs. Vineeta V. Khanvilkar, Dr. Vilasrao J. Kadam (2014), Fingerprinting techniques in herbal standardization, Indo American Journal of Pharmaceutical Research, 4(02), pp 1049- 1062.

2. D. Custers, N. Van Praag (2017), Chromatographic fingerprinting as a strategy to identify regulated plants in illegal herbal supplements, Elsevier, 164, pp. 490-502.

 

 

Trả lời